Trai Đinh, Nhâm, Quý có thực sự tài?
Nội dung
Quan niệm dân gian Trai Đinh Nhâm Quý thì tài
Trên thực tế, quan niệm “Trai Đinh, Nhâm, Quý thì tài; Gái Đinh, Nhâm, Quý qua hai lần đò” gây không ít phiền phức, hệ lụy cho nhiều người. Từ chuyện kết hôn phải dẫn dâu hai lần đến chuyện các cặp vợ chồng chọn năm sinh cho con, những mong sinh được con trai trong năm “lợn vàng” (Đinh Hợi), “rắn vàng” (Quý Tỵ) để con có cuộc sống an nhàn, sung sướng sau này. Thế nhưng, theo các chuyên gia, nếu không cẩn thận sẽ “xôi hỏng bỏng không”.
“Theo kết quả thống kê thì phụ nữ có can Đinh, Nhâm, Quý thường không mấy suôn sẻ chuyện tình duyên. Chẳng hạn, nữ tuổi Đinh Sửu thường trăng hoa, Đinh Mão thì nhiều đời chồng, Nhâm Dần xung khắc hoặc cách trở tình duyên, Nhâm Tuất khắc phu, Quý Tỵ nhiều đời chồng.
Trong khi nam giới ở những tuổi đó thường là tốt đẹp. Nam tuổi Đinh Sửu sẽ sáng suốt, Đinh Mão mưu trí, Nhâm Dần có chức quyền, Nhâm Tuất vinh hiển, Qúy Tỵ thông minh, dễ thăng quan.
Ý nghĩa của 3 can Đinh, Nhâm, Quý
Can Đinh là biểu tượng của mùa hạ, vạn vật đều chín. Đinh là thừa Bính tượng trưng tâm người. Nó là biểu hiện của sự tráng niên, nội lực sung mãn. Theo sách Cổ ngữ, dịch lý, Đinh có tính chất: Tính mịn màng, thuận sắc màu hồng lửa. Vị: Tê lưỡi, khô cổ. Thanh: Trong trẻo. Thể: Nhọn, các tính hay dương lên. Về Âm – Dương ngũ hành thuộc Âm – Hỏa. Gặp thời có thể tiêu tan được hung tàn, bạo ngược, làm động lòng nước mắt muôn người, biết được cơ trời vận nước gian nguy. Ngược lại, nếu không gặp thời sẽ luôn giữ trong lòng sự u sầu buồn bã, khổ não.
Can Nhâm là thừa Tân, tượng trưng gối người. Theo sách Cổ ngữ, dịch lý thì Nhâm có chất háo sắc, đa tình. Vị: Mặn, sắc huyền đen. Thanh cung ấm, thể tròn và động có hình vằn khúc khuỷu. Về Âm – Dương ngũ hành thuộc Dương – Thủy. Gặp thời vận thì lợi cho người, ích cho vật. Không gặp thời thì hại người hiền. Tính tình bề ngoài thì mềm mỏng còn trong thì xảo trá, gian hùng. Nên lựa thời để cùng buồn, chớ nên cùng vui.
Can Quý tượng trưng cho thủy từ bốn phương chảy vào lòng đất. Nó cũng hàm ý biểu tượng sự thai nghén đã mãn hạn. Quý thừa Nhâm tượng trưng cho chân người. Còn theo các sách Cổ ngữ, dịch lý giải thích thì Qúy có chất nặng, âm tính, trầm hậu (dày, sâu) nhưng bên trong có sự yếu ớt. Sắc: Huyền, đen. Thanh: Cao, sáng. Thể: Khúc khuỷu. Về Âm – Dương ngũ hành thuộc Âm – Thủy. Gặp thời, đắc vận thì theo rồng mà biến hóa. Nếu sa cơ lỡ vận thì theo người đi ăn mày. Tính là cảm hứng, ngay thẳng. Sách Cổ văn có ghi: “Biết thì trừ được tai nạn, giải được sự phân vân hồ đồ. Không biết thì sa vào sự gian trá, tối tăm, hay soi coi sự nhơ nhuốc”.
Can chi quyết định tính cách, số mệnh
Ông Vũ Quốc Trung, người có nhiều năm nghiên cứu về tử vi, kinh dịch cho rằng, việc dân gian quan niệm như vậy không phải là không có cơ sở.
Ông lý giải, lĩnh vực cổ học phương Đông với dự báo dựa trên ba tiên đề. Đó là Âm dương: Tất cả mọi sự vật hữu hình lẫn hiện tượng vô hình luôn tồn tại hai mặt đối lập là âm và dương. Chẳng hạn, nữ là âm, nam là dương, mặt trăng là âm, mặt trời là dương… Chỉ khi có âm có dương, âm dương hòa hợp thì sự vật, hiện tượng ấy mới tồn tại. Tiên đề thứ hai là Ngũ hành. Theo đó, vật chất được tạo nên từ 5 loại gồm kim, mộc, thủy, hỏa, thổ; ngũ hành có tương sinh, tương khắc. Tiên đề thứ ba là bát quái.
Ông Trung cho biết thêm: Có 10 thiên can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý) và 12 địa chi (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Các can và chi này cũng không nằm ngoài 3 tiên đề trên, có âm và dương (với can thì Giáp là dương, Ất là âm, Bính – dương, Đinh – âm… cứ thế xen kẽ. Với chi cũng tương tự, Tý – dương, Sửu – âm…). Các can và chi kết hợp với nhau tạo thành Lục thập hoa giáp, cứ 60 năm lại lặp lại một lần, gọi là hệ Can chi.
“Các can và chi đó đều được mã hóa, mang ý nghĩa riêng và có những nguồn năng lượng không giống nhau. Mỗi người được sinh ra trong một ngày, giờ, tháng, năm cụ thể. Thế nên, vào thời khắc đứa trẻ ra đời, năng lượng từ tự nhiên sẽ tác động tới chính đứa trẻ đó, từ đó ảnh hưởng đến tính cách, số phận. Chẳng thế mà dân gian có câu “Trai mùng một, gái hôm rằm. Nuôi thì nuôi vậy nhưng căm dạ này”. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà người ta đúc kết thành câu “Trai Đinh, Nhâm, Quý thì tài; Gái Đinh, Nhâm, Quý qua hai lần đò”, ông nói.
Ông Nguyễn Hoàng Điệp bổ sung thêm: Hệ Can chi này xuất hiện từ đời nhà Thương bên Trung Quốc. Trước thời Đông Hán, vào khoảng năm 103 Trước Công nguyên, người ta chỉ dùng hệ Can chi để ghi ngày. Đến thời Hán về sau mới dùng hệ Can chi để ghi năm, tháng, ngày, giờ. “Do đó, rõ ràng can chi có quyết định tới tính cách, số mệnh của mỗi con người. Nó hoàn toàn mang yếu tố của khoa học chứ không phải là trò mê tín!”, ông Điệp nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và Khoa học – Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, dựa trên những kinh nghiệm đúc kết trong dân gian, người ta thấy rằng phụ nữ mang ba can Đinh, Nhâm, Quý đều là những người có cá tính mạnh mẽ, quyết đoán, thông minh, nhanh nhẹn. Trong khi đó, theo quan niệm truyền thống “xuất giá tòng phu”, người phụ nữ khi lập gia đình thì phải nhất nhất theo chồng. Vậy nên, suy luận logic thì phụ nữ có cá tính mạnh mẽ sẽ có tính tự lập cao, khó có thể răm rắp theo chồng được. Thế nên, chuyện họ trắc trở về đường tình duyên cũng là điều dễ hiểu.
Còn ông Vũ Quốc Trung bổ sung thêm: “Sở dĩ người ta nói gái Đinh, Nhâm, Quý qua “hai lần đò” vì ngày xưa quan niệm phụ nữ quan trọng nhất là chồng con. Còn đàn ông thì sự nghiệp là quan trọng hơn cả. Vậy nên, người xưa lấy chuyện “hai lần đò” ra để chỉ sự xui xẻo của phụ nữ.
Ông Vũ Quốc Trung nhấn mạnh: “Câu ca trên chẳng qua là sự suy luận logic theo cổ học chứ thực tế không hẳn vậy. Nó không áp dụng cho tất cả những ai sinh ra ở ba can đó (nam thì tài, gái thì “hai lần đò”) và chỉ mang tính ước lệ mà thôi”.
Nói về chuyện phải rước dâu hai lần với những người phụ nữ “cao số”, mang can Đinh, Nhâm, Quý khi kết hôn, ông Vũ Đức Huynh cho hay, đó chỉ là quan niệm dân gian, người ta làm thế để yên lòng thôi chứ không có căn cứ nào nói rằng nó sẽ hóa giải “cao số” cả.
“Mọi người không nên quá lệ thuộc vào quan niệm đó để chuốc phiền hà cho chính mình và con cháu mình. Nếu cô dâu, chú rể ở gần nhà nhau thì rước dâu hai lần còn có thể hợp lý chứ cách nhau tới ba, bốn trăm cây số làm sao mà thực hiện được? Chỉ tốn kém, mệt mỏi cho cả hai bên thôi”, ông nói.