Bốn phong tục trong đêm giao thừa

Chia sẻ ngay

Giao thừa là khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đây là thời điểm mà mọi người chờ đợi và chào đón. Và ở Việt Nam tết nguyên đán sẽ có những phong tục riêng biệt đặc biệt là vào đêm giao thừa để hi vọng mọi người có một năm mới may mắn, an lành. Vậy những phong tục trong đêm giao thừa đó là gì? Để hiểu được những phong tục này chúng ta cùng đọc bài viết sau:

Cúng giao thừa

Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong thời khắc giao thừa mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Cúng Giao thừa là lễ cúng để đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ và đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.

Theo Gs.Vs Lương Ngọc Huỳnh,đêm 30 tháng Chạp, các nhà thường sửa soạn mâm lễ để cúng giao thừa ở giữa sân. Nếu không có sân thì cúng giữa nhà, hoặc có thể làm lễ trên sân thượng.

Hướng đặt mâm lễ chỉ nên đặt hướng Bắc, hoặc hướng Đông tuỳ theo từng gia đình (hướng Bắc để cúng Thượng Đế, hướng Đông để cúng Thiên Tử là Vua).

Cúng ngoài trời

Cúng ngoài trời, lễ vật gồm các chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, vôi, gạo, rượu, nước và vàng mã.

Một lễ cúng ngoài trời trong đêm giao thừa thường không thể thiếu gạo, muối

Ở một số địa phương người dân còn chuẩn bị muối và rượu để cúng giao thừa xong sẽ rắc muối, rót rượu xung quanh trừ tịch, tức trừ tà ma, sẵn sàng đón một năm mới bình an. Lễ trừ tịch được làm đúng lúc giao thừa nên còn được gọi là lễ giao thừa.

Cúng giao thừa trong nhà

Cúng giao thừa trong nhà là lễ cúng tổ tiên vào chính thời khắc giao thừa vừa tới nhằm để cầu xin Tổ tiên phù hộ độ trì cho gia đình gặp những điều tốt lành trong năm mới.

  • Đối với gia đình có điều kiện thì một mâm lễ gồm gà trống đỏ, xôi đỏ, bánh chưng xanh, cùng các loại sơn hào hải vị; 9 chén rượu ba màu đỏ, trắng, vàng (màu đỏ để lấy vận khí tốt, màu trắng để lấy tài lộc, màu vàng để lấy sự bình yên, may mắn); 5 chén trà 5 loại hương vị trà khác nhau (trà sen, trà nhài, trà bưởi…); Một mâm hoa quả “ngũ quả” đầy đặn đẹp mắt, trên mâm quả có cài 9 bông hoa đồng tiền; Vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá mỗi loại 99 nén; Thắp 9 ngọn nến hoặc 9 cây đèn dầu.
  • Trong trường hợp các gia đình chưa có điều kiện cũng có thể thành tâm chuẩn bị mâm lễ gồm trầu, rượu, hoa quả, xôi gà…; và đặc biệt không nên đốt tiền âm phủ trong lễ đón giao thừa để tránh các vong âm lai vãng.

Sau khi đã chuẩn bị xong mâm lễ trước 12 giờ đêm, vào đúng thời khắc giao thừa thì người lớn nhất trong gia đình ăn mặc chỉnh, tề súc miệng rượu thơm bắt đầu hành lễ.

Khi cúng Giao thừa trong nhà, các thành viên trong gia đình thường đứng trang nghiêm trước bàn thờ để khấn tổ tiên và xin được các cụ phù hộ độ trì và cầu an khang thịnh vượng, sức khỏe tốt. Trước khi khấn Tổ tiên để mời tiền nhân về ăn Tết cùng với con cháu hậu thế, các gia chủ thường khấn thần Thổ công để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết.Thổ công là vị thần cai quản trong nhà.

Cúng giao thừa ở chùa, đền miếu

Đêm 30 tháng Chạp, rạng sáng mùng 1 Tết, ở các tỉnh, thành, địa phương, người dân hay đi lễ chùa, lễ đền miếu để cầu xin Phật Thánh phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình suốt năm bình an, may mắn, thịnh vượng, mọi việc như ý.

Mâm lễ các gia đình tùy tâm chuẩn bị, hoặc có thể đến chùa, đền, miếu mua sẵn.

Sau khi cầu khấn, nhiều người xin lộc mang về cùng vài ba nén hương gọi là hương lộc đem cắm vào bát hương Táo quân ở nhà… Lửa đỏ ở mấy nén hương là lộc Phật Thánh ban với biểu tượng cho hồng vận, đem đến sự thịnh vượng.

Xông đất

Sau khi cúng giao thừa xong là đến lễ xông đất, đây là một việc không thể thiếu trong đêm giao thừa của người Việt Nam. Bởi việc xông đất là một việc rất quan trọng, quyết định sự may mắn, tài lộc trong năm. Và việc chọn người xông đất đầu năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người Việt.

Thường sau thời khắc giao thừa, bất cứ người nào bước vào nhà chúc mừng năm mới gia đình sẽ được gọi là người xông đất cho gia chủ. Nếu người xông đất hợp tuổi, hợp mệnh với gia chủ giúp chủ nhà làm ăn phát đạt và gặp nhiều may mắn. Chính vì điều này nên nhiều gia đình đã chủ động xem tuổi xông đất đầu năm để chon được một người hợp mệnh hợp tuổi với gia chủ đến xông đất. Bên cạnh hợp tuổi hợp mệnh thì người được chọn phải là người vui vẻ,nhanh nhẹn, hòa đồng để khi xông đất sẽ mang lại may mắn cho gia chủ.

Ở một số địa phương có quan niệm ngay sau thời khắc giao thừa người xông đất sẽ đi lấy nước, lửa và cây xanh mang vào gia chủ để đem lại may mắn đủ đầy.

Chúc Tết và mừng tuổi

Ngay sau khoảnh khắc đón giao thừa mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, nâng ly rượu chúc mừng năm mới. Các thành viên trong gia đình gửi cho nhau những lời chúc vô cùng ý nghĩa, hi vọng các thành viên trong gia đình có nhiều điều tốt đẹp trong năm mới này. Cũng trong khoảnh khắc này mọi người cùng gọi điện cho anh bạn bè chúc tết, gửi những lười chúc mừng năm mới trong không khí rộn ràng nhộn nhịp khi xuân về.

Mua muối và mía đêm giao thừa

“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là tục lệ truyền thống từ bao đời nay của người Việt. Thường người dân sau khi đi chơi đêm Giao thừa sẽ mua một túi muối về nhà.

Muối mặn có ý nghĩa xua đuổi tà ma, xua đuổi xui xẻo và đem lại may mắn cho người dân khi khởi đầu một năm mới. Muối cũng có ý nghĩa trong văn hóa của gia đình Việt, biểu trưng cho sự đậm đà, tình sâu nghĩa nặng trong các mối quan hệ của gia đình, vợ chồng thuận hòa gắn kết, con cái khỏe mạnh.

Muối được cho vào những túi trang trí đẹp, bán muối đêm giao thừa giúp người dân có thu nhập rất tốt

Theo sự lý giải của các nhà sử học, mua muối đầu năm là mua sự mặn mà về cho cả năm với mong muốn thuận lợi và bình an.

Ngoài muối, mía cũng là thứ được người dân mua về ngay sau đêm giao thừa.

Những cây mía lộc được nhiều người lựa chọn bởi quan niệm mua vài cây mía ngọt đầu năm dựng bên ban thờ gia tiên sẽ mang đến cho gia đình nhiều tài lộc. Thường mỗi gia đình mua 2 cây mía lộc dựng hai bên ban thờ.