Ý nghĩa tóc ba chỏm là gì?
Các chú tiểu tuy được xuống tóc nhưng phải chừa lại ba chỏm tượng trưng cho ý nghĩa tham, sân, si vẫn còn. Sau đây cùng tìm hiểu Ý nghĩa tóc ba chỏm ở chú tiểu
Ý nghĩa tóc ba chỏm
Pháp tướng của người xuất gia là “đầu tròn, áo vuông”, nguyện cạo bỏ râu tóc, mặc áo ruộng phước, sống đời phạm hạnh. Các chú tiểu mới vào chùa, có vị còn quá nhỏ chỉ gieo duyên vì hoàn cảnh mà chưa có lý tưởng, và có vị chính thức phát nguyện tập sự xuất gia, tất cả đều theo phép tắc chung là phải xuống tóc.
Cạo bỏ râu tóc, ngoài việc tạo Tăng tướng “đầu tròn” khác biệt với người thế tục còn mang ý nghĩa biểu trưng cho việc xả bỏ phiền não. Người xuất gia mỗi ngày phải sờ lên đầu của mình để tự nhắc mình là người tu, mọi thứ phải khác người đời, tinh tấn xả trừ phiền não để tiến tu đạo nghiệp.
Các chú tiểu nhỏ khi vào chùa tuy cũng được xuống tóc nhưng phải chừa lại ba chỏm tóc khá lớn (ba vá) tượng trưng cho ý nghĩa tham, sân, si vẫn còn. Vì các chú nhỏ chỉ mới gieo duyên với sự nghiệp xuất gia, chưa biết tu tập nhiều nên căn bản phiền não còn nguyên vẹn.
Các chú tiếp tục được giáo dưỡng trong môi trường tu tập, nên mỗi ngày một tốt lên, cùng với ba chỏm “tham, sân, si” phiền não kia được tỉa nhỏ bớt lại, xinh xắn và gọn gàng hơn trước.
Đến khi các chú lớn thêm, nhờ nương theo chư Tăng tu học một thời gian khá dài nên có oai nghi phép tắc, nhân cách đạo đức tốt hơn. Bấy giờ các chú được cạo sạch hai chỏm hai bên, mang ý nghĩa là tham lam và sân hận trong tâm nhờ tu tập nên đã có phần lắng dịu. Còn lại duy nhất một chỏm trên đầu (phía trước, gần trán) mang ý nghĩa si mê vẫn còn che lấp, vô minh vẫn đang còn ngự trị nên cần phấn đấu tu học, vun bồi phước trí nhiều hơn.
Đến khi hội đủ tiêu chuẩn thọ giới Sa-di (trước đây có vài người tiếp tục để chỏm cho đến lúc thọ giới Tỳ-kheo), thầy bổn sư mới cho phép cạo bỏ chỏm còn lại, chính thức hiện tướng “đầu tròn” của người xuất gia thực thụ.