Giải hạn đầu năm
Hằng năm, cứ vào dịp đầu năm Âm Lịch, nhất là tuần lễ thứ hai trong tháng Giêng mà cao điểm là ngày Rằm, nhiều người thường có lệ đi chùa dâng sớ cầu an cúng sao giải hạn.
Người xưa cho rằng: Mỗi người vào mỗi năm có một ngôi sao chiếu mệnh. Tất cả có 9 ngôi sao (có sao tốt sao xấu), cứ sau 9 năm lại luân phiên trở lại ứng với một cá nhân.
Theo Đường Thư Lịch Chí, quyển 18 thì chín ngôi sao (cửu diệu) là Nhật diệu (Thái dương), Nguyệt diệu (Thái âm), Kim diệu (Thái bạch), Mộc diệu (Mộc đức), Thủy diệu (Thủy diệu), Hỏa diệu (Vân hớn), Thổ diệu (Thổ tú), Kế đô và La hầu. Chín vì sao này phối trí theo các phương, sắp xếp theo 12 chi và ngũ hành.
Mỗi năm, một người chịu ảnh hưởng “chiếu mạng” của một vì sao, nếu là sao tốt thì hanh thông, phúc lộc và nếu sao xấu thì bị tai họa, hạn ách. Vì thế, những ai niên vận gặp sao xấu chiếu mạng thì phải cúng sao, cầu xin những vị thần cai quản các sao như “đức” Thái dương tinh quân, La hầu tinh quân… chiếu cố, phò hộ.
Lễ cúng dâng sao giải hạn được làm vào đầu năm, rằm tháng giêng hoặc hằng tháng tại chùa, hay hằng tháng tại nhà ở ngoài trời với mục đích cầu xin Thần Sao phù hộ cho bản thân, con cháu, gia đình đều được khoẻ mạnh, bình an, vạn sự tốt lành, may mắn, thành đạt và thịnh vượng.
Theo quan niệm dân gian thì 9 ngôi sao chiếu mệnh chỉ xuất hiện vào những ngày nhất định trong tháng, từ đó hình thành tục dâng sao giải hạn vào các ngày như sau:
Sao Thái Dương: Ngày 27 âm lịch hàng tháng
Sao Thái Âm: Ngày 26 âm lịch hàng tháng
Sao Mộc Đức: Ngày 25 âm lịch hàng tháng
Sao Vân Hớn (hoặc Văn Hán): Ngày 29 âm lịch hàng tháng
Sao Thổ Tú: Ngày 19 âm lịch hàng tháng
Sao Thái Bạch: Ngày 15 âm lịch hàng tháng
Sao Thuỷ Diệu: Ngày 21 âm lịch hàng tháng
Sao La Hầu: Ngày 8 âm lịch hàng tháng
Sao Kế Đô: Ngày 18 âm lịch hàng tháng
Sắm lễ:
Lễ vật cúng sao đều giống nhau:
– Lễ vật gồm: Hương, Hoa, Quả (5 loại). Trầu, rượu, nước. Vàng, Tiền (10), Gạo, Muối.
– Lễ xong hóa cả tiền, vàng, văn khấn, bài vị.
Cách bố trí nến (đèn cầy) trên bàn cúng theo sơ đồ từng Sao như hình (còn màu sắc là của Bài vị).
Văn khấn dâng sao giải hạn:
Na mô A Di Đà Phật (3 lần)
Na mô Hữu Thiên chí tôn Kim Quyết Ngọc Hoàng thượng đế Kính lạy
– Đức Trung thiện tinh chúa Bắc cực tử vi Trùng sinh đại đế
– Đức Tả Nam Tào lục ty Duyên thọ tinh quân
Đức Hưu Bắc Đẩu cửu hàm Giải ách tinh quân
Đức… *
Đức Thượng Thanh bản mệnh Nguyên thần chân quân,
Hôm nay là ngày…. tháng… năm
Tín chủ con là…
Ngụ tại…
Thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật thiết lập tại địa chỉ….
Làm lễ giải hạn sao (Nếu là sao gì chiếu mạng thì ghi thêm vào văn khấn và bài vị. Ví dụ “làm để giải hạn sao Kế Đô chiếu mệnh”)
Cúi mong chư vị chấp kỳ bạc lễ phù hộ độ trì giải trừ vận hạn; ban phúc, lộc, thọ cho chúng con gặp mọi sự lành, tránh mọi sự dữ, gia nội bình yên, an khang thịnh vượng.
Chúng con cúi đầu chí thiết chí thành, nhất tâm bái lạy.
Cẩn cáo
* Sao Thái Dương: Nhật cung Thái Dương Thiên tử tình quân
* Sao Thái Âm: Nguyệt cung Thái âm Hoàng hậu tinh quân
* Sao Mộc Đức: Đông phương Giáp ất Mộc Đức tinh quân
* Sao Vân Hán: Nam phương Bính đinh Hỏa đức tinh quân
* Sao Thổ Tú: Trung ương mậu kỷ Thổ Đức tinh quân
* Sao Thái Bạch: Tây Phương canh tân Kim Đức Thái Bạch tinh quân
* Sao Thủy Diệu: Bắc Phương nhâm quý Thủy Đức tinh quân
* Sao La Hầu: Thiên cung Thần thủ La Hầu tinh quân
* Sao Kế Đô: Địa Cung Thần Vỹ Kế Đô tinh quân.