Nội dung điếu văn khóc Mẹ
Mẹ là người có công sinh thành, Mẹ là người yêu thương con vô bờ bến. Khi người mẹ mất đi để lại cho đàn con nỗi đau tột cùng. Chồng mất vợ, mất đi người đồng hành trên 1 chặng đường dài. Cháu mất bà mất đi một người dẫn lối. Sau đây là bài điếu văn khóc Mẹ hay và cảm động nhất thể hiện được sự đau lòng, thương tiếc vô bờ của người ở lại đối với Mẹ của mình. Hãy cùng đọc để tham khảo nhé!
Bài điếu văn tang lễ sẽ được đọc trong phần an táng.
Nội dung
Phần lễ an táng Mẹ
Lễ an táng còn gọi là Lễ “Phát dẫn -–đưa ma”.
Được giờ tốt đã chọn, mới tiến hành lễ. Thực hiện lễ an táng có 4 việc theo trình tự sau:
Cúng lễ trước khi di quan
Đây là việc của gia đình. Thầy cúng hoặc tang chủ cùng con cháu nội ngoại thực hiện Lễ tiễn biệt người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng.
Mọi người theo thế thứ trong nội ngoại gia tộc, xếp hàng trước bàn thờ vong. Thầy cúng hoặc tang chủ thực hiện các bước thắp hương dâng rượu, nước, trang nghiêm như lễ phát tang và đọc lời ai điếu tiễn biệt lần cuối. Con cháu thành kính vái lễ. Quá trình hành lễ, nhạc tang tùy lúc tấu lên khúc bi ai Lâm khốc.
Làm Lễ truy điệu
Đây là việc của Ban Lễ tang thay mặt Đoàn thể, chính quyền hoặc cơ quan đơn vị…làm sau lễ Khiển điện của gia đình. Bà con trong cộng đồng dân cư, cơ quan đơn vị… và bạn bè thân hữu tập trung trước bàn thờ vong.
Đại diện Ban Lễ tang lên tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và mời Trưởng ban Lễ tang lên làm chủ lễ.
Chủ lễ trang phục tề chỉnh, trịnh trọng tiến vào bàn thờ vong, thắp ba nén hương rồi vái hai vái. Tang chủ của gia đình đáp lễ cũng vái lại hai vái. Lúc này phường bát âm tấu lên khúc nhạc Lâm khốc não nùng! Mọi người lặng im trong không khí lễ tang.
Chủ lễ bắt đầu hành lễ, đọc điếu văn. Chủ lễ đọc điếu văn cần chú ý diễn đạt nỗi đau thương của mọi người, thực sự chân thành xúc động; bằng giọng đọc sâu lắng truyền cảm. Lúc hào hùng khi nói về sự nghiệp công lao đóng góp của người đã ra đi. Khi thiết tha da diết về nỗi đau mất mát một người thân yêu…(Tránh đọc điếu văn như đọc một bản báo cáo!)
Nội dung điếu văn chủ yếu nói về thân thế sự nghiệp. Công lao đóng góp của người đã mất với cộng đồng và xã hội. Công lao sinh thành dưỡng dục con cháu nội, ngoại trưởng thành. Phần thưởng được tặng…Nỗi đau buồn của gia đình và mọi người từ nay mất một người vợ, người mẹ, người bạn v.v…
Di quan
Trước khi di quan, đại diện gia đình nói lời cảm ơn và xin được lượng thứ, có điều gì khiếm khuyết trong lúc tang gia bối rối.
Bà con trong nội tộc và bạn bè… cùng nâng quan tài bằng tay hoặc đặt trên vai, dưới sự chỉ huy của một người cầm hai thanh tre (phách) gõ hiệu lệnh. Yêu cầu làm sao cho quan tài luôn thăng bằng, đến mức chén rượu để trên nắp quan tài không sánh ra giọt nào. Khi di quan phải thật sự chậm rãi, từ từ từng nửa bước chân một. Vừa thể hiện nỗi đau tiễn biệt muốn níu kéo lại, cũng là vừa đảm bảo cho quan tài luôn được thăng bằng, để người ra đi trong giấc ngủ yên lành!
Trưởng nam thì phải cha đưa mẹ đón. Nên tang Mẹ, con trai phải đi chân đất, chống gậy vông đi lùi trước quan tài, gọi là “đón”. Con gái và nàng dâu khi đến cầu và ngã ba phải nằm xuống đất cho người ta khiêng quan tài qua, gọi là “lăn đường”. Đây là một hủ tục xét ra không cần thiết. Bây giờ không ai làm nữa. Hiếu tại tâm mới là chí hiếu. Ở vùng quê ngày trước, một đám tang từ nhà ra nghĩa địa khoảng một cây số, nhưng phải đi mất một buổi mới tới nơi hạ huyệt . Bởi vậy trên đường đi phải có nhiều trạm nghỉ.
Hạ huyệt
Đến nơi hạ huyệt, đặt hai đòn tre ngang qua huyệt. Di quan tài đặt trên hai đòn tre. Lồng hai giây chão chắc chắn dưới quan tài, dùng khi hạ quan tài cho thuận tiện.
Sau khi ổn định các thứ mang theo, mọi người đứng xung quanh. Bắt đầu hành lễ. Trước hết là Lễ cáo Thổ thần xin cho người chết được nhập mộ. Tiếp theo là lễ vĩnh biệt lần cuối, xưa gọi là lễ “Thành phần – đắp mộ”. Trong Lễ Thành phần cũng đủ các bước do thầy cúng điều khiển.
Xong Lễ hạ quan tài, chỉnh hướng cho phù hợp hướng của năm. Trải tấm minh tinh lên nắp quan tài. Con cháu lui ra, vì không ai nỡ chôn người thân. Bạn bè thân hữu bỏ nắm đất vĩnh biệt. Người ngoài hoặc ban quản trang làm công việc chôn và đắp mộ. Có nơi lát một lớp cỏ che kín mộ. Chôn bia tạm, để bát cơm cúng, chén rượu trên mộ, thắp hương trước bia và trên mộ, xếp vòng hoa tang chung quanh.
Mọi người đi một vòng quanh mộ, tiễn biệt lần cuối người ra đi về nơi an nghỉ cuối cùng.
Nếu có nhà táng giấy, đốt luôn cùng với những thứ đồ dùng của người chết thấy cần thiết phải đốt
Nội dung điếu văn khóc Mẹ
Mẹ kính yêu của chúng con,
Người xưa có nói:
“Sinh thành Đông hải khoát
Dưỡng dục Thái sơn cao”
Mẹ đã cho chúng con một thể xác và một tâm hồn để hiện hữu trên cõi đời này. Những thể xác ấy lúc đầu còn bé xíu, những tâm hồn ấy lúc đầu còn rất thơ dại, Má đã dành cả cuộc đời mình và mồ hôi nước mắt để nuôi nấng, giáo dục cho chúng con khôn lớn, trưởng thành như ngày hôm nay.
Trải theo thời gian, Má ngày càng gầy yếu đi để chúng con ngày càng lớn lên khỏe mạnh. Rõ ràng, máu thịt của chúng con bây giờ chính là máu thịt của Mẹ. Rồi khi chúng con lớn lên, Mẹ lại dày công lo bề nghi thất nghi gia, cho chúng con được vui cảnh “Trúc mai sum họp”. Công lao sinh thành dưỡng dục của Mẹ, đối với chúng con, thật rộng như biển Đông, cao như núi Thái.
Hôm nay đây, toàn thể các con trai, gái, dâu, rể cùng các cháu, chắt nội, ngoại đã vĩnh viễn mất Má, nhưng trong mỗi trái tim của chúng con vẫn luôn ngời sáng hình ảnh của Mẹ, một người Mẹ giàu đức tính cần kiệm và hết lòng thương yêu con cháu.
Để chúng con được như ngày hôm nay, Mẹ đã trải qua nửa thế kỷ dầm sương dãi nắng, bàn tay của má đã phải hằn sâu rất nhiều dấu vết cần lao.
Đức tính ấy của Mẹ luôn sống mãi trong trái tim của mỗi chúng con.
Chúng con sẽ khắc ghi suốt đời hình ảnh Mẹ, một người mẹ:
“Suốt đời tận tụy chồng con
Sớm hôm chẳng quản hao mòn tấm thân”
Công ơn ấy của Mẹ, chúng con chưa kịp đáp đền, thì Mẹ đã vội vã về với cõi vĩnh hằng.
Lòng chúng con tan nát !
Hôm nay đây, toàn thể chúng con: trai ,gái, dâu, rể và các cháu, chắt nội, ngoại, cùng quì xuống đây, tóc xanh phủ dày tang trắng, cùng lạy và cùng than khóc rằng:
Mẹ ơi!
Vẫn biết rằng “Sống là gởi, thác là về ”, nhưng sao Mẹ không về tại ngôi nhà này, để chúng con còn được chăm nom, săn sóc; mà Mẹ lại về chi nơi miền âm cảnh xa xăm lạnh lẽo kia, để chúng con vĩnh viễn mất Mẹ. Nơi Mẹ về ấy, dẫu có là thiêng đường của Chúa, niết bàn của Phật, hay là cõi “Bồng lai tiên cảnh” đi nữa, thì lòng chúng con vẫn cứ khổ đau, vì chúng con đã vĩnh viễn mất Mẹ.
Mẹ ơi!
Vẫn biết rằng: “Thân cát bụi phải trở về cát bụi ”, nhưng đau lòng vì cảnh tử biệt sinh ly, chúng con không thể không oán trách cao xanh đã khiến gia đình ta phải chịu cảnh:
“Con cháu dương trần thương nhớ mãi
Mẹ cha âm cảnh biệt thiên thu”
Thôi rồi ! Mẹ ơi!
Từ nay , mỗi lần về nhà, chúng con đành gạt nước mắt nhớ thương và tự hỏi: “Cảnh cũ còn đây mà người xưa chẳng tá ?”.
Mẹ ơi ! Đau đớn biết nhường nào !
Nhưng lúc này đây, chúng con đành bất lực, chấp nhận số phận nghiệt ngã của tạo hóa đã sắp đặt cho chúng ta.
Những con, cháu bé bỏng của Mẹ chỉ còn biết cầu mong cho linh hồn của Mẹ sớm siêu thoát.
Mẹ linh thiêng, xin hãy chứng giám cho những nỗi lòng bất hạnh của chúng con.
Xin Mẹ nhận cho chúng con hai lạy này để vĩnh biệt Mẹ!