Điếu văn tang lễ khi truy điệu hay và ý nghĩa nhất
Sinh Lão Bệnh Tử – Con người sinh ra, trưởng thành, rồi già yếu bệnh tật và chết đi, đây cũng là quy luật bình thường của cuộc sống. Chính vì vậy, Sống một ngày là có diễm phúc của một ngày, nên chúng ta phải thật trân trọng. Dưới đây mẫu lời truy điệu trong lễ tang hay và ý nghĩa nhất mà chúng tôi đã chọn lọc.
Mẫu điếu văn tang lễ được dùng khi sự kiện buồn không một ai mong muốn điều đó xảy ra trong cuộc sống này. Người ở lại tiễn người đã khuất với niềm tiếc thương vô hạn, đặc biệt trong giây phút truy điệu thì nỗi buồn, nỗi đau đớn, xót xa ấy càng tăng lên gấp ngàn lần. Và trước giờ di quan, trong giờ truy điệu theo truyền thống của người Việt thường diễn ra thủ tục đọc điếu văn tang lễ. Vậy nội dung điếu văn ấy như thế nào? hãy cùng tham khảo nhé!
Nội dung
Lễ an táng
Lễ an táng còn gọi là Lễ “Phát dẫn -–đưa ma”.
Được giờ tốt đã chọn, mới tiến hành lễ. Thực hiện lễ an táng có 4 việc theo trình tự sau:
Cúng lễ trước khi di quan, còn gọi là lễ “Khiển điện – – tiễn biệt”.
Đây là việc của gia đình. Thầy cúng hoặc tang chủ cùng con cháu nội ngoại thực hiện Lễ tiễn biệt người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng.
Mọi người theo thế thứ trong nội ngoại gia tộc, xếp hàng trước bàn thờ vong. Thầy cúng hoặc tang chủ thực hiện các bước thắp hương dâng rượu, nước, trang nghiêm như lễ phát tang và đọc lời ai điếu tiễn biệt lần cuối. Con cháu thành kính vái lễ. Quá trình hành lễ, nhạc tang tùy lúc tấu lên khúc bi ai Lâm khốc.
Làm Lễ truy điệu.
Đây là việc của Ban Lễ tang thay mặt Đoàn thể, chính quyền hoặc cơ quan đơn vị…làm sau lễ Khiển điện của gia đình. Bà con trong cộng đồng dân cư, cơ quan đơn vị… và bạn bè thân hữu tập trung trước bàn thờ vong.
Đại diện Ban Lễ tang lên tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và mời Trưởng ban Lễ tang lên làm chủ lễ.
Chủ lễ trang phục tề chỉnh, trịnh trọng tiến vào bàn thờ vong, thắp ba nén hương rồi vái hai vái. Tang chủ của gia đình đáp lễ cũng vái lại hai vái. Lúc này phường bát âm tấu lên khúc nhạc Lâm khốc não nùng! Mọi người lặng im trong không khí lễ tang.
Chủ lễ bắt đầu hành lễ, đọc điếu văn. Chủ lễ đọc điếu văn cần chú ý diễn đạt nỗi đau thương của mọi người, thực sự chân thành xúc động; bằng giọng đọc sâu lắng truyền cảm. Lúc hào hùng khi nói về sự nghiệp công lao đóng góp của người đã ra đi. Khi thiết tha da diết về nỗi đau mất mát một người thân yêu…(Tránh đọc điếu văn như đọc một bản báo cáo!)
Nội dung điếu văn chủ yếu nói về thân thế sự nghiệp. Công lao đóng góp của người đã mất với cộng đồng và xã hội. Công lao sinh thành dưỡng dục con cháu nội, ngoại trưởng thành. Phần thưởng được tặng…Nỗi đau buồn của gia đình và mọi người từ nay mất một người chồng, cha, người bạn v.v…
Tùy vị trí xã hội của người mất mà thực hiện nghi lễ theo quy định.
Cựu chiến binh được phủ quân kỳ lên quan tài. Các cựu binh mặc sắc phục nhà binh, đứng trực hai bên quan tài, theo hướng dẫn của quân đội.
Nội dung điếu văn tang lễ khi truy điệu
Kính thưa: Hương hồn …
Kính thưa: Lãnh đạo các đoàn thể Tổ dân phố số … và các đ/c đại diện lãnh đạo các ban ngành của Phường …
Kính thưa: Ban tang lễ và gia đình hiếu chủ.
Kính thưa: Toàn thể bà con trong tang trường.
Hôm nay, trong giờ phút buồn đau và thương xót này, chúng ta tập trung tại đây để vĩnh biệt một con người. Đó là …!
Cụ ( tên người đã mất) … sinh ngày … trong một gia đình…tại …
Dưới chế độ cũ, như bao nhiêu con em gia đình nghèo khó khác, ông không được đi học.Trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám ông tham gia Tự vệ chiến đấu cùng nhân dân địa phương khởi nghĩa giành và giữ chính quyền tại quê hương.Vào tuổi …, ông được giác ngộ và thoát li gia đình làm giao thông liên lạc.
Do lòng trung kiên và tinh thần hăng hái, ý chí tự học vươn lên, … đã được kết nạp vào Đảng ngày … tháng …năm … tại Chi bộ …
Những ngày sau đó ông công tác tại …trong …
Từ đây cuộc đời công tác của …gắn bó liên tục với mảnh đất …, nơi … miền Tây Bắc của Tổ quốc.
Đầu những năm … của thế kỉ trước, từng được tin cậy giao nhiệm vụ … Sau đó ông công tác tại cơ quan tổ chức thuộc … và được cơ quan bố trí đi học văn hoá và nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ.
Đến … được đề bạt là … Sau đó ông làm việc trong Cơ quan … tỉnh … ở cơ quan hay lĩnh vực công tác nào, ông cũng liên tục được tín nhiệm bầu tham gia Cấp uỷ. Khi đất nước thống nhất … Nông trường và đời sống Công nhân dần thoát khỏi những gian khổ, tạo tiền đề vững chắc cho những bước tiến trong thời kì đổi mới tiếp theo.
Đến tháng…, vào tuổi … được Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ. Từ đây … có thời gian rảnh hơn thăm nom con cháu từ … và sinh hoạt gần gũi trực tiếp với bà con khối phố.
Để ghi nhận lòng kiên trung, tinh thần tận tuỵ, và những đóng góp của …với Cách mạng, với tỉnh …, ông đã được Tỉnh …đã tặng ông nhiều Bằng, Giấy khen, Kỉ niệm chương và Đảng Nhà nước tặng HCKC Chống … hạng …, HCK Chống Mĩ hạng …, Huy hiệu ….. năm tuổi Đảng.
Kính thưa hương hồn Cụ … !
Công lao đóng góp của ông đã được Đảng, Nhà nước, Chính quyền, đoàn thể các cấp ghi nhận, tuyên dương. Nhưng cái lớn nhất của ông để lại là tấm gương về lòng trung thành, tính khiêm tốn, ham học, thương người và sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn về mình, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Những lão thành Cách mạng trong ngành … ngày nay vẫn nhớ và kể về ông những chuyện dám nghĩ, dám làm, khắc phục khó khăn, gian khó trong những ngày chống Pháp, tiểu phỉ, khôi phục kinh tế ở … Lớp lớp cán bộ công nhân … đến giờ vẫn nhớ và truyền cho nhau nghe nhiều chuyện cảm động về người Bí thư Đảng bộ liêm khiết, thương và sâu sát với công nhân, cùng họ tháo gỡ khó khăn trong những ngày mới thành lập.
Kính thưa các đ/c lãnh đạo, thưa toàn thể bà con !
Người xưa từng nói: “Trên nối nghiệp tổ tiên truyền lại, Dưới nêu gương con cháu noi theo“. Cuộc đời ông và bà … đã giữ được nếp nhà, dấn mình đóng góp cho dân cho nước và nuôi dạy cháu con. Ông, bà sinh được … con: … trai, … gái. Cụ bà … Các con trai gái của ông bà đều đã trưởng thành. Hai con gái, từ mảnh đất … đã cố gắng vượt khó giành trình độ Đại học và trên Đại học công tác trong ngành …
Gốc rễ bền sinh cành rợp bóng, nguồn rộng sâu tạo dòng chảy không ngừng. Cụ đã có … cháu nội, … cháu ngoại và … chắt. Nối tiếp truyền thống cha ông, các cháu đều là những con ngoan, trò giỏi. Có cháu đã trở thành …nối nghiệp gia đình.
Trở lại … từ giữa năm …., ông thấy bao phấn khởi về những thay đổi nơi đây. Nhưng tuổi cao, bệnh trọng đã không cho ông được chứng kiến tiếp những đổi thay chắc sẽ còn to lớn hơn. Vào lúc 1 giờ 5 phút đêm mồng … tháng … năm … tức là ngày mồng … tháng … năm …, trái tim … ngừng đập sau một cơn đau đột ngột tại nơi … từng gắn bó … năm đời công tác trong vòng tay yêu thương, kính trọng và đau nhớ của cháu con, họ mạc. Cụ hưởng thọ … tuổi.
Kính thưa hương hồn … !
Trong giờ phút biệt ly, … về âm giới mãi xa xăm, chúng tôi trên dương trần luôn tưởng nhớ.
Từ nay: Vắng ông trong chuyện trò thế sự, còn đâu lời khuyên bảo lúc cam go.
Vẫn biết là quy luật sao lòng thắt khôn cầm. Dù hiểu không tránh khỏi mà vẫn đau trong dạ. … đã đi xa, nhưng: Nhà nước ghi công người phụng sự. Xóm làng học tập đức bền gan.
Các con … đau một nỗi: Nghĩa sớm hôm ấp lạnh quạt nồng, Tơ tóc những hiềm chưa báo trả. ơn nuôi nấng áo dầy cơm nặng, Biển trời khôn xiết mấy công lao. Nay Hiếu tử hãy còn lưu lị sở, mà phụ thân đã vội lánh trần.
Người cùng công tác với … buồn đau vì: Hậu sinh mất tiền nhân mẫu mực; Đồng đội thương tiếc bạn đồng cam.
Chúng tôi, xóm phố cảm phục ông: Sống tận tuỵ mọi người yêu quý; Chết thuỷ chung, con cháu tiếc thương.
Sớm tối nào quên niềm ái mộ. Tháng ngày khôn xiết nỗi bi ai.
Ôi thôi thôi !, đã đến giờ vĩnh biệt:
Cầu vong linh cõi tiên cảnh nhàn du, Yên thân xác đặt nơi tĩnh thổ. Chốn âm giới vong về an nghỉ. Nơi dương trần luôn nhớ khói hương.
Vĩnh biệt …, xin vong tin tưởng. Gương soi rồi Tâm sẽ sáng hơn.
Cảm tạ bà con cô bác, họ mạc xa gần, lối xóm cận lân, anh em đồng chí, bạn bè liên gia và các cấp lãnh đạo đã đến phúng viếng, chia buồn và có lời phân ưu tha thiết.
Trước lúc di quan, trong giờ truy điệu, đề nghị một phút mặc niệm !
Xin vĩnh biệt!
Mọi người mặc niệm lần cuối một phút, rồi mới thực hiện di quan ra xe.
Di quan
Trước khi di quan, đại diện gia đình nói lời cảm ơn và xin được lượng thứ, có điều gì khiếm khuyết trong lúc tang gia bối rối.
Bà con trong nội tộc và bạn bè… cùng nâng quan tài bằng tay hoặc đặt trên vai, dưới sự chỉ huy của một người cầm hai thanh tre (phách) gõ hiệu lệnh. Yêu cầu làm sao cho quan tài luôn thăng bằng, đến mức chén rượu để trên nắp quan tài không sánh ra giọt nào. Khi di quan phải thật sự chậm rãi, từ từ từng nửa bước chân một. Vừa thể hiện nỗi đau tiễn biệt muốn níu kéo lại, cũng là vừa đảm bảo cho quan tài luôn được thăng bằng, để người ra đi trong giấc ngủ yên lành!
Một số nơi thành lập đội tùy từ 6 đến 8 người, áo quần đồng phục một mầu, có giầy, mũ và găng tay, làm công việc di quan ra xe tang. Đây là mô hình tốt nên phát triển rộng. Chính quyền thôn làng, khu phố kết hợp Hội người Cao tuổi đứng ra làm. Kinh phí chắc chắn nhân dân ở cộng đồng sẽ hưởng ứng. Vì đáp ứng nguyện vọng chu đáo và nghiêm túc trong Tang lễ. Nên để Hội Người Cao tuổi quản lý các đồ dùng cho Tang lễ.
Ở vùng nông thôn hiện nay, hầu như không mấy đám khiêng quan tài nữa. Làng quê đều có xe tang thô sơ chở quan tài, úp trên quan tài là nhà táng bằng gỗ hoặc khung sắt có phủ vải thêu các hoa văn rồng phượng sặc sỡ.
Thị xã và Thành phố có xe tang đen của Công ty mai táng thực hiện việc này.
Trên đường đưa ma vẫn còn tục rải vàng mã. Nên chăng cần giảm bớt tiến tới bỏ hẳn đi để bảo đảm vệ sinh môi trường.
Ngày trước thực hiện theo Thọ Mai Gia Lễ, việc đưa ma vô cùng phiền phức: Đi đầu là hai phương tướng mặc áo mũ đạo sĩ, đeo mặt nạ, cầm dao hoặc binh khí để trừ tà ma, rồi đến đoàn người vác cờ tang. Tiếp là Minh tinh, Vòng hoa, Trướng, Câu đối, Linh xa, Phường bát âm có phèng phèng, thanh la, kèn, trống. Rồi đến đoàn người khiêng Nhà táng. Nhà táng làm bằng khung tre nứa, dán giấy mầu, chạm trổ các hoa văn và hình rồng phượng tinh xảo sặc sỡ, úp trên quan tài. Nhà phú qúy, nhà táng làm cao ba tầng như một cung điện nguy nga!
Sau cùng là đoàn người đi đưa ma… Người chết là phật tử còn có đoàn đội cầu. Cầu là một băng vải mầu, dài trên 10 mét, hai diềm may vải mầu khác loại. Các già đi dưới cầu, tay lần tràng hạt, miệng đọc kinh, cầu cho người ra đi chóng được an nhiên siêu thoát.
Trưởng nam thì phải cha đưa mẹ đón. Tang cha, con trai phải đi chân đất, chống gậy tre đi sau quan tài, gọi là “đưa”. Tang mẹ, con trai phải đi chân đất, chống gậy vông đi lùi trước quan tài, gọi là “đón”. Con gái và nàng dâu khi đến cầu và ngã ba phải nằm xuống đất cho người ta khiêng quan tài qua, gọi là “lăn đường”. Đây là một hủ tục xét ra không cần thiết. Bây giờ không ai làm nữa. Hiếu tại tâm mới là chí hiếu. Ở vùng quê ngày trước, một đám tang từ nhà ra nghĩa địa khoảng một cây số, nhưng phải đi mất một buổi mới tới nơi hạ huyệt . Bởi vậy trên đường đi phải có nhiều trạm nghỉ.
Nhà phú quý còn có nhà trạm, để dừng nghỉ và cúng tế giữa đường, đến nghĩa địa lại có trạm tế trước khi hạ huyệt. Đoàn người đưa tang đi thật chậm, dưới sự chỉ huy của một người gõ phách giữ nhịp và luôn giữ thăng bằng quan tài. Người khiêng phía trước điều chỉnh tốc độ, không cho người phía sau bước nhanh được.
Hạ huyệt
Đến nơi hạ huyệt, đặt hai đòn tre ngang qua huyệt. Di quan tài đặt trên hai đòn tre. Lồng hai giây chão chắc chắn dưới quan tài, dùng khi hạ quan tài cho thuận tiện.
Sau khi ổn định các thứ mang theo, mọi người đứng xung quanh. Bắt đầu hành lễ. Trước hết là Lễ cáo Thổ thần xin cho người chết được nhập mộ. Tiếp theo là lễ vĩnh biệt lần cuối, xưa gọi là lễ “Thành phần – đắp mộ”. Trong Lễ Thành phần cũng đủ các bước do thầy cúng điều khiển.
Xong Lễ hạ quan tài, chỉnh hướng cho phù hợp hướng của năm. Trải tấm minh tinh lên nắp quan tài. Con cháu lui ra, vì không ai nỡ chôn người thân. Bạn bè thân hữu bỏ nắm đất vĩnh biệt. Người ngoài hoặc ban quản trang làm công việc chôn và đắp mộ. Có nơi lát một lớp cỏ che kín mộ. Chôn bia tạm, để bát cơm cúng, chén rượu trên mộ, thắp hương trước bia và trên mộ, xếp vòng hoa tang chung quanh.
Mọi người đi một vòng quanh mộ, tiễn biệt lần cuối người ra đi về nơi an nghỉ cuối cùng.
Nếu có nhà táng giấy, đốt luôn cùng với những thứ đồ dùng của người chết thấy cần thiết phải đốt