Cưới chạy tang là gì?
Đám cưới chạy tang là một tình huống không mong muốn nhưng cũng không phải là hiếm gặp trong cuộc sống. Tìm hiểu những phong tục tập quán liên quan đến cưới chạy tang sẽ giúp các cặp đôi có sự chuẩn bị tốt hơn khi rơi vào hoàn cảnh này.
Nội dung
Đám cưới chạy tang
Đám cưới đã được dự tính và lên kế hoạch trước ít nhất là vài tháng trở lên. Tuy nhiên, chưa đến ngày cưới thì gia đình cô dâu hoặc bên gia đình chú rể lại có người thân đau ốm nặng khó qua khỏi. Hay khi đám cưới đã được chuẩn bị gần xong thì có người thân vừa qua đời, hoặc trong tình trạng nguy kịch. Khi đó hầu hết các gia đình chọn hình thức cưới chạy tang. Cưới chạy tang thực chất là hình thức cưới tránh tang, là tổ chức hoàn tất đám cưới trước khi có tang.
Chuyện cưới chạy tang là do có phong tục để tang 3 năm khi người mất là ông, bà, cha, mẹ hay một khoảng thời gian nào đó đối với những người thân trong gia đình. Trong suốt thời gian này, không được tổ chức lễ cưới và ít tham gia hội họp, tiệc tùng để tỏ lòng thương tiếc với người đã khuất. Như vậy, để tránh lỡ hôn sự cả đời đang chuẩn bị nên các đám cưới được nhanh chóng tiến hành. Lúc đó hai bên gia đình sẽ nhanh chóng chuẩn bị hôn lễ cho cô dâu chú rể trước ngày đã ấn định để tránh “ưu-hỷ trùng phùng”.
Chuẩn bị cưới chạy tang
Trường hợp cưới chạy tang gặp nhiều khó khăn nhất là khi gia đình hai bên ở xa. Việc phát tang nên không thể đình lại quá lâu, do đó không kịp thời gian tổ chức lễ cưới chu đáo ở cả hai nhà. Nhiều khi vì điều này cũng khiến cặp đôi, nhất là cô dâu có tâm lý tủi thân. Bởi vì, hôn lễ là chuyện cả đời người và chỉ có một lần mà lại không thể tổ chức long trọng theo ý muốn. Thêm vào đó áp lực về thời gian khi tất cả đều chuẩn bị gấp gáp, khi mọi người trong gia đình không thể tập trung để hỗ trợ. Vì còn vướng bận chuyện tổ chức tang lễ cũng tạo ra gánh nặng tâm lý đối với cô dâu và chú rể.
Những lúc như vậy nên có một kế hoạch rõ ràng, tập trung thực hiện. Thêm vào đó có thể, liên hệ với những bạn bè thân thiết nhất để được hỗ trợ thêm. Không nên quá căng thẳng hay các áp lực nếu chẳng may có những sơ xuất gặp phải trong đám cưới. Vì cuộc sống vợ chồng lâu dài sau khi kết hôn mới là điều quan trọng mà bạn cần hướng đến.
Cưới chạy tang phải đảm bảo các nghi lễ
Trong phong tục cưới hỏi Việt Nam, đám cưới là ngày vui của đôi trai gái, là hỷ sự, là ngày vui chung được cả đại gia đình hai bên. Tuy nhiên cuộc sống sẽ xảy ra rất nhiều những tình huống không thể lường trước được. Một trong những tình huống không mong là việc gia đình hai bên có người đột ngột qua đời hoặc vì lý do đau yếu khó qua khỏi. Nhưng đám cưới đã được chuẩn bị không thể dời lại, cũng như cặp trai gái và gia đình cũng không muốn để hết mãn tang mới cử hành hôn lễ.
Khi đó hai gia đình sẽ gấp rút chuẩn bị mọi thứ để cho đám cưới trước. Cưới chạy tang thường sẽ được tổ chức đơn giản, gọn lẹ, tránh cầu kỳ phô trương. Và có thể bỏ bớt các lễ nghi tuy nhiên về cơ bản vẫn phải giữ đúng trong phong tục cưới hỏi Việt Nam.
Tổ chức đám cưới chạy tang
Cưới khi có đám tang người thân ruột thịt
Trường hợp gia đình có đám tang của người thân như ông bà, cha mẹ, anh em ruột thịt vừa qua đời, nhưng vì nhiều lý do không hoãn được đám cưới. Chẳng hạn như: 2 bạn đã thu xếp công việc và có kế hoạch sau đám cưới không thể dời lại, hoặc 2 đã lỡ có bầu trước, cũng như một vài năm tới không được tuổi để tổ chức cưới,… Khi tổ chức một đám cưới có tính chất chạy tang nhưng vẫn phải đảm bảo đúng theo phong tục cưới hỏi. Nghi thức cưới sẽ giảm bớt một số thủ tục cầu kỳ, tránh sự phô trương.
Nếu bên nhà gái có đám tang, khi đó mọi nghi lễ ăn hỏi sẽ được tổ chức đơn giản và chỉ đãi tiệc vào ngày cưới, và khách mời cũng giới hạn. Trong ngày cưới, bố mẹ cô dâu và những người có tang sẽ không đưa cô dâu sang nhà chồng, mà nhờ tới những người đại diện.
Bên nhà trai có đám đám tang thì số lượng người sang nhà cô dâu cũng bị rút gọn. Nhưng các nghi lễ cơ bản của cưới hỏi vẫn được tiến hành đúng thụ tục. Trường hợp gia đình bên nào có người mới qua đời, khi đó nghi thức cưới bên gia đình đó sẽ đơn giản bớt các thủ tục và tránh cầu kỳ, rầm rộ.
Đám cưới khi có tang người họ hàng xa
Lúc trước cưới chạy tang thường dùng để chỉ những đám cưới chạy trước khi có đám tang. Còn giờ đây còn dùng cả những đám cưới khi gia đình có đám tang mới diễn ra. Việc tổ chức đám cưới khi gia đình vừa có đám tang của người họ hàng xa sẽ có phần bớt khắt khe hơn.
Đám cưới vẫn tổ chức đúng phong tục cưới hỏi Việt Nam như dự tính ban đầu. Tuy nhiên trong đám cưới cần hạn chế mời những người có quan hệ gần với người vừa mới qua đời tham dự hôn lễ. Sau đám cưới, khi đó vợ chồng trẻ mới đến thăm hỏi gia đình nhà có tang để tỏ lòng thành kính với người mới qua đời.
Đám cưới khi nhà hàng xóm có đám hiếu
Ai cũng muốn tổ chức một đám cưới thật rầm rộ, hoành tráng để kỷ niệm ngày vui này. Nhưng không may ngày cưới của bạn thì bên nhà hàng xóm có đám tang. Đây là điều mà không ai mong muốn xảy ra.
Với trường hợp này, bạn sẽ tiến hành hôn sự theo đúng dự định ban đầu, nhưng phải hạn chế sự phô trương trong đám cưới. Trong đám cưới tránh bật nhạc, loa đài ầm ĩ, và tình trạng kẻ khóc người cười sẽ gây khó xử cho cả gia đình hai bên và các quan khách đến dự lễ 2 lễ.
Một số kiêng kỵ trong đám cưới chạy tang
Tổ chức lễ cưới khi gia đình còn tang thì cần phải hạn chế về quy mô và giới hạn số lượng khách mời. Khi mở tiệc gia đình chỉ mời những người đặc biệt thân thiết.
Lễ thành hôn trên hội trường, bố mẹ của bên nhà có tang sẽ không được lên trên sân khấu hay phát biểu trong lễ cưới. Do một bên gia đình không thể xuất hiện nên để cân đối thì bên đại diện còn lại cũng không lên sân khấu. Khi đó chỉ có cô dâu chú rể thực hiện nghi lễ kết hôn với sự chứng kiến của người thân, bạn bè.
Hiện nay với suy nghĩ thoáng hơn nên việc tổ chức đám cưới chạy tang cũng không khắt khe như cũ. Đám cưới gặp đám tang là người ruột thịt, thì có thể vẫn giữ nguyên lịch trình tổ chức cưới nhưng cũng phải làm nhanh gọn.
Cô dâu, chú rể không có quan hệ ruột thịt với người quá cố, trong hôn lễ những người thân ruột thịt với người mới mất sẽ tránh tới tham dự.