Hóa giải nhà đầu voi đuôi chuột
Ngoài nhà hoặc đất bị ngã 3 đâm vào thường bị nhiều người chê là xấu, ngôi nhà đầu voi đuôi chuột cũng thường bị coi là xấu trong phong thủy và cả dân gian.
Về dân gian thì mọi người hay nói là nhà đầu voi đuôi chuột sẽ làm người ta làm ăn lụn bại vì khởi đầu thì hoành tráng (như con voi), đến về sau thì lại teo tóp, thu hẹp hoạt động lại (chẳng những từ con voi biến thành con chuột mà còn biến thành đuôi của con chuột mới ghê. Hic hic). Do đó những ngôi nhà đầu voi đuôi chuột thường giá cũng rẻ hơn. Có lẽ cũng từ tâm lý này mà người đi mua nhà, mua đất thích “đất nở hậu” tức là đầu chuột đuôi voi (ban đầu thì khởi nghiệp như con chuột và về sau thành công, to lớn như con voi; ai mà không ham).
Về phong thủy thì nói rằng, nhà đầu voi đuôi chuột không tốt cho hậu vận, tuổi thọ người già không cao và nguy cơ hô hấp sức khỏe cũng như bệnh tật nhiều.
Vậy thì tại sao nhà đầu voi đuôi chuột thì xấu?
– Trước tiên, nhìn theo khí động học, không khí, gió lưu chuyển từ ngoài cửa chính căn nhà đi vào, ban đầu vào theo tiết diện lớn (ví dụ nhà có chiều ngang phần trước sân rộng 4m) nhưng khi vào bên trong thì tiết diện lưu chuyển khí lại teo tóp dần dần đến cuối nhà là hẹp nhất (ví dụ nhà có chiều ngang phần sau đuôi nhà rộng 2m) thì khí sẽ lưu chuyển càng về cuối nhà càng gấp hơn, tốc độ nhanh hơn. Như chúng ta đã nói, khi cùng 1 lưu lượng khí di chuyển thì việc thay đổi đột ngột hoặc dần dần tiết diện lưu chuyển sẽ làm gia tăng tốc độ khí lưu chuyển. Lấy ví dụ như chúng ta việc chúng ta bóp nhỏ đầu ống nước thì dĩ nhiên nước phun ra sẽ mạnh và tốc độ dòng chảy nhanh hơn. Như vậy thì trong nhà khí lưu chuyển không phải với tốc độ đều đặn, thoải mái mà lúc vào thì bình thường, càng di chuyển về cuối nhà càng gia tăng tốc độ làm nhiễu loạn dòng khí trong nhà làm người trong nhà sinh hoạt, đi từ trước ra sau sẽ cảm thấy có gì đó không thoải mái dù vẫn không biết lý do là tại sao.
– Thứ 2, vẫn xét tiếp theo khí động học, một ngôi nhà tốt là phải có “đầu vào-đầu ra”, tức không khí phải lưu chuyển. Kỵ nhất là khí tù đọng. Như chúng ta để thử một ly nước uống. 5 phút sau chúng ta uống ngay ly nước đó thì không có gì xấu xảy ra. Nhưng nếu để sang 1 ngày sau, 5 ngày sau mà chúng ta uống ly nước đó vào bụng thì chắc chắn bị đau bụng. Nước vẫn là nước, không có ai đem pha thêm chất này kia vào, nhưng khi để tĩnh 1 thời gian đã biến chất. Sự việc này chúng ta thấy thường xuyên khi đi vào rừng, nếu người đi rừng có kinh nghiệm họ sẽ uống nước ở dòng suối đang chảy dù cho nhìn qua thấy có bụi bẩn, đất cát lẫn vào làm màu nước đục ngầu; còn người thiếu kinh nghiệm sẽ uống ngay vũng nước mưa trong vắt tinh khiết tù đọng lâu ngày ở dưới các gốc cây. Dĩ nhiên uống nước đang chảy thì không sao, còn uống nước tù đọng lâu ngày dĩ nhiên là “có sao trăng” liền. Việc này cũng giống như chúng ta mở cửa bước vào ngôi nhà không có người ở khoảng 1 tuần thì cảm nhận ngay sự ngột ngạt, hơi thở khó chịu. Người nằm 1 chỗ đọc sách xem phim cả ngày và người suốt ngày lao động chân tay ; đến cuối ngày thì thử hỏi xem ai mệt mỏi hơn? Tĩnh là xấu, động là tốt. Về căn nhà đầu voi đuôi chuột thì khí di chuyển từ ngoài đường vào sẽ không thoát ra được và bị tù đọng ở phần cuối ngôi nhà. Do đó ai đã từng đi vào tham quan ngôi nhà đầu voi đuôi chuột nếu đứng lâu ở phần đuôi sẽ thấy cảm giác ngột ngạt, khó chịu. Phần “đuôi chuột” lúc này đóng vai trò túi chứa khí tù đọng, ở phần này khí không lưu chuyển được.
– Thứ 3, thử quan sát xem cách kết cấu cấu trúc của một ngôi nhà bình thường. Thông thường từ ngoài cửa chính bước vào là phòng khách của nhà, phần giữa ngôi nhà thường được đặt phòng ngủ, phòng làm việc; còn phần cuối tức “cái đuôi chuột” thường bố trí bếp. Như vậy khu vực túi khí tù đọng mà lại được bố trí bếp thì thử hỏi, khói bếp có thoát ra bên ngoài được hay không hay lại bay lẩn quẩn trong nhà, làm người khác hít phải thêm CO2 sinh ra do không khí bị đốt cháy? Chưa kể, bếp là không gian chế biến thức ăn, đồ uống đảm bảo dinh dưỡng cho cả nhà; người ở trong bếp nấu ăn mà hít không khí tù đọng thì làm sao minh mẫn, sáng suốt mà chế biến món ăn dinh dưỡng; hít khí tù đọng và CO2 càng làm đầu óc mụ mị, người khó chịu nóng bức nên đem hết cảm giác bực bội vào trong đồ ăn thức uống gây độc thêm cho cả nhà khi ăn vào. Đó là chưa nói tới vai trò cực quan trọng của bếp trong phong thủy. Theo nhiều trường phái phong thủy bát trạch, dương cơ, thì bếp đóng vai trò rất quan trọng, tạo sinh khí, không khí ấm cúng cho cả căn nhà; dù hướng nhà có xấu thì vẫn dùng bếp để hóa giải được. Đem bếp đặt vào “cái đuôi con chuột” như vậy là không khôn ngoan rồi!
– Thứ 4, điểm này rất quan trọng, mong mọi người để ý kỹ. Như đã nói ở trên, phần đầu voi thường đặt phòng khách, phần giữa nhà thường đặt phòng ngủ, và bếp thường đặt ở đuôi chuột. Quan sát thói quen sinh hoạt của con người, ta sẽ thấy khi còn trẻ, thanh niên thì người ta thích ở phòng khách hơn vì có nhiều thứ giải trí vui chơi như xem TV, đọc sách, học hành…; khi ở giai đoạn trung niên, người ta thường thích nghỉ ngơi, ở trong phòng ngủ là vì giai đoạn này là giai đoạn tập trung kiếm tiền tốt nhất, sau một ngày đi làm mệt mỏi, cái người ta mê nhất là cái giường; và khi về già, người ta thích lụi cụi ở sau bếp, nhóm lửa nấu ăn, đun trà. Như vậy khi càng lớn tuổi thì người ta ở phần “đuôi chuột” hít khí tù đọng nhiều hơn; do đó dễ giảm tuổi thọ và đi theo ông bà sớm. Như vậy thì nhà đầu voi đuôi chuột tuy xấu nhưng không phải xấu với mọi lứa tuổi. Tuổi trẻ ở nhà này vẫn tốt vì họ sinh hoạt ở phần “đầu voi” nhiều hơn; còn càng về trung niên, tuổi cao thì nhà này rất xấu.
– Thứ 5, “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Khi sinh hoạt ở trong 1 không gian méo mó, không vuông vức thẳng thớm như vậy, về lâu dài những người này từ trong vô thức sẽ có cái nhìn lệch lạc về mọi vấn đề, hay bị ảo giác, tín hiệu thị giác truyền lên não làm cho não trạng đáng giá sự việc sự vật bị sai lệch.
Cách hóa giải: _ Để hóa giải thì cần nhận rõ nhà đầu voi đuôi chuột là nhà có chiều ngang phần đầu và phần đuôi khác biệt nhau nhiều (ví dụ: 4m và 3.5m.v.v..) chứ nếu chênh lệch vài cm thì có hề gì vì vốn không có căn nhà nào xây dựng mà “hoàn hảo từng cm” được. Để không cho người trong nhà bị lệch lạc góc nhìn, não bị sai lệch, ảo giác thì cần gắn gương tráng thủy phản chiếu ở tường bị hẹp. Để không cho khí tù đọng ở “đuôi chuột” thì phần này cần gắn quạt để thổi không khí lưu động, hướng ra ngoài để khí liên tục lưu chuyển. Động mới tốt, tĩnh không tốt.
Như trên đã nói về nhà đầu voi đuôi chuột, chúng ta đều hiểu tác hại của những ngôi nhà không vuông vức, nay Yeuphongthuy xin xét mở rộng thêm các nhà có hình dạng khác phổ biến ngoài xã hội mà trong quá trình đi xem nhà giúp gia chủ thường thấy (nhà hình tam giác, nhà tóp bụng, phình bụng, nhà hình thang, nhà hình L, nhà Zig Zag). Ông bà ta cũng như văn hóa Châu Á thường đề cao sự hài hòa, vuông vắn, tròn trịa chứ không thích hình dạng méo mó, nhô ra lệch vào hay không đối xứng.
Có lẽ ai khi mua đất, mua nhà cũng mong muốn ngôi nhà mình vuông vắn, dễ coi nhưng mà nhiều khi hầu bao và mong ước không cân bằng với nhau nên đành phải mua mảnh đất xấu, rồi thì vì muốn tranh thủ xây dựng cho hết diện tích đất để sử dụng chứ không nở bỏ phí diện tích đất nên hình dạng ngôi nhà nhìn từ trên xuống cũng méo mó đủ kiểu theo đúng hình dạng khu đất. Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp nhiều gia đình khi mua mảnh đất rộng rất đẹp nhưng theo chỉ bảo của kiến trúc sư (vì muốn khuyến khích gia chủ xây nhà kiểu lạ, sáng tạo để hồ sơ kinh nghiệm của mình thêm phong phú) mà thành ra xây nhà méo mó đủ kiểu (thường gặp nhất là các ngôi nhà biệt thự vì đất rộng; chứ nhà phố thì thường chỉ có 1 kiểu hình chữ nhật thôi). Lưu ý ở phần này là chúng ta chỉ nhìn hình dạng căn nhà theo hình chụp từ trên cao xuống (giống như dùng vệ tinh chụp thẳng từ trên cao) chứ không xét góc nhìn từ mặt tiền hay các mặt hông, bên của ngôi nhà.