Tu được hiểu là như thế nào?
Người Việt nam thường nói về tu:
“Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Đối với các bạn trẻ, tôi muốn giải nghĩa như
sau:
– Tu tại gia là sống hiếu thảo với cha mẹ ông bà, nhân nghĩa với anh em là sống bậc vợ chồng, bậc gia đình thông thường như mọi người.
Đó là con đường chung cho nhân loại.
– Tu chợ là làm việc trong xã hội, giúp dân, giúp nước với tư cách liêm chính (không tham lam, hối lộ, nạt nộ, ức hiếp) theo quyền chức mình có, nhưng hết lòng cứu người, giúp đời.
– Tu chùa là bỏ đời, vào sống trong chùa, nương mình dưới sự phù hộ của Đức Phật, ngày ngày ăn chay, sám hối, tu luyện bản thân, sớm hôm tụng kinh, niệm Phật, mong được qua kiếp này rồi lên niết bàn.
Thơ Phật giáo
Tu là gì?
Ăn chay niệm Phật chưa phải tu
Đi chùa vái lạy cũng tu mù
Tụng kinh trì giới sinh trí tuệ
Quán tâm sửa tính thật chân tu.
Tu thì phải sửa mới là tu
Sửa tính tham lam thành bố thí
Sửa tính ganh tị thành hoan hỷ
Sửa tính ích kỷ thành vị tha
Sửa tính vô tâm thành hòa nhã
Sửa tính cố chấp thành buông xả
Sửa tính khinh khi thành kính mến
Sửa tính cao ngạo thành khiêm tốn
Sửa tính hẹp hòi thành bao dung
Sửa tính bi quan thành tích cực
Sửa tính lười biếng thành siêng năng
Sửa tính hơn thua thành nhẫn nhịn
Sửa tính si mê thành trí tuệ….
Tu với ai? Tu với Ông Bà Cha Mẹ của chúng ta, phải có lòng hiếu thảo. Tu với Anh Chị Em của chúng ta, phải biết yêu thương, nhường nhịn, kính trên bảo dưới, phải sống tròn đạo nghĩa vợ chồng và trách nhiệm với con cái… Tu với những người xung quanh chúng ta, hoan hỷ hòa nhã, đối xử tốt với mọi người, Tu với công việc của chúng ta, hãy làm tốt công việc của mình dù là những việc nhỏ nhặt nhất… nên có câu “trước khi Tu Phật hãy Tu Nhân“.