Trí không thể nghĩ bàn
Hành giả nghi rằng: Nhớ niệm Phật A Di Đà, không chắc được vãng sanh về An Lạc. Vì sao? Trong kinh nói: “Đạo lý của nghiệp như quả cân bên nào nặng sẽ kéo nghiêng về bên đó”.
Vì sao có người trọn đời, hoặc trăm năm, hoặc 10 năm, hoặc một tháng không có ác nào không tạo, chỉ nhờ có 10 niệm liên tục, liền được vãng sanh, liền vào chánh định tụ, cứu kính không thối chuyển, cùng các khổ của ba đường ác cách xa vĩnh viễn.
Nếu như thế cái nghĩa phía nặng kéo về làm sao có thể tin. Lại nữa, từ vô lượng kiếp đến nay, tạo đủ các pháp hữu lậu, bị ràng buộc vào ba cõi, vì sao không cắt đứt kiết hoặc của ba cõi, chỉ trong thời gian rất ngắn niệm Phật A Di Đà liền được ra khỏi ba cõi. Như thế nghĩa bị nghiệp trói buộc làm sao giải thích được? Đối trị với điều nghi này nên Phật dạy: Trí không thể nghĩ bàn. Trí không thể nghĩ bàn là năng lực của Phật trí. Năng lực này có thể lấy ít làm nhiều, lấy nhiều làm ít, lấy gần làm xa, lấy xa làm gần, lấy nhẹ làm nặng lấy nặng làm nhẹ, lấy dài làm ngắn lấy ngắn làm dài.
Phật trí như thế vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn. Ví như, có trăm người, suốt trăm năm đốn củi, chứa đống cao ngàn trượng, chỉ cần cho một mồi lửa, nửa ngày là cháy sạch. Đâu có thế nói rằng đống củi trăm năm mà đốt nửa ngày không cháy hết. Lại như có người què được lên thuyền gặp gió thuận buồm căng, một ngày vượt xa ngàn dặm, đâu có thể nói người què một ngày không đến nơi cách xa ngàn dặm ư! Lại như có một người nghèo hèn, nhặt được vật quý của nhà vua, nhà vua mừng tìm được lại vật cũ, liền thêm trọng thưởng, người ấy chỉ trong khoảnh khắc giàu sang đầy dẫy. Đâu có thể nói người muốn được vua ban phải mười năm đèn sách khó nhọc còn không đạt được, huống hồ người kia chỉ có chút việc mà có được giàu sang như thế.
Lại có người yếu đuối, gắng sức leo lên con lừa còn không nổi, được lên xe chuyển luân Thánh vương, liền bay trên hư không, bay lượn tự nhiên. Đâu có thể nói người yếu đuối sức leo lên con lừa còn không nổi kia không thể bay được trên hư không ư! Lại như có một sợi dây thừng trói mười dũng sĩ, không làm sao dùng sức thoát khỏi, chỉ cần một đứa trẻ con dùng thanh gươm bén chém một nhát là dây đứt làm hai đoạn.
Đâu thể nói sức chú nhỏ không thể cắt được sợi dây thừng kia sao? Tất cả muôn pháp đều có tự lực và tha lực, tự nhiếp và tha nhiếp. Nghìn mở muôn đóng vô lượng vô biên, đâu có thể đem chỗ hiểu biết có trở ngại của mình mà nghi pháp vô ngại của người kia. Lại nữa, trong năm thứ không thể nghĩ bàn, Phật pháp là pháp không thể nghĩ bàn hạng nhất. Chúng ta không thể cho làm ác trăm năm là nặng, lại nghi mười niệm niệm Phật là nhẹ không được vãng sanh về thế giới An Lạc, vào chánh định tụ việc ấy hoàn toàn không đúng.
Đàm Loan Đại Sư