Tìm hiểu về chùa Vạn Linh, An Giang
Nằm ở độ cao hơn 600m so với mặt nước biển, chùa Vạn Linh (núi Cấm) xưa kia còn gọi là chùa Lá (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) trở thành trung tâm “Mùa hành hương và du lịch tham quan” khu vực Bảy Núi (tỉnh An Giang) hàng năm. Đặc biệt, là ngay từ dịp đợt Tết Âm lịch và Rằm Thượng Ngươn hiện nay. Bài viết sau Tìm hiểu về chùa Vạn Linh, An Giang.
Chùa Vạn Linh
Chùa Vạn Linh tọa lạc ở độ cao 535 m (so với mặt nước biển) trên núi Cấm, dưới chân Vồ Bồ Hông (cao trên 700 m), bên hồ Thủy Liêm; nay thuộc địa phận ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây là một danh lam và là một danh thắng, được nhiều người đến chiêm bái và thăm viếng.
Lịch sử của Chùa Vạn Linh
Tương truyền, ngôi chùa Vạn Linh (núi Cấm, tỉnh An Giang) do Hòa thượng Thích Thiện Quang khai sơn năm 1927, với cấu trúc xây dựng ban đầu chỉ là một am cất cây và lợp tranh. Hòa thượng Thích Thiện Quang khai sơn, thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 40, đệ tử của Hòa thượng Viện chủ tổ đình Phi Lai Thích Chí Thiền. Nhờ vào đức độ và tài phục dược của Hòa thượng khai sơn, nên phật tử và người đời đồn đãi, am đón khách thập phương ngày một đông. Đến năm 1941, am lá mới được trùng tu và xây dựng thành chùa Lá – Vạn Linh). Hòa thượng Thích Thiện Quang viên tịch ngày tu 26 tháng 11 Quý Tỵ 1953. Thế rồi, chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước, ngôi chùa Lá – Vạn Linh) bị bom đạn tàn phá. Mãi đến năm 1976, ngôi chùa mới được trùng tu.
Năm 1994, Hòa thượng Thích Trí Tịnh (để tử của Hòa thượng Thích Thiện Quang), bấy giờ là đương kiêm Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mới nhận việc xây dựng ngôi chùa Lá – Vạn Linh trên diện tích khoảng 6ha. Và, Thượng tọa Thích Hoằng Tri được cử trông coi trực tiếp việc xây dựng ngôi chùa Lá – Vạn Linh (núi Cấm, tỉnh An Giang).
Kiến Trúc Chùa Vạn Linh
Chùa Vạn Linh nằm trên một sườn núi thoai thoải, có hoa kiểng tươi tốt quanh năm, tạo nên một phong cảnh vừa thơ vừa thiền. Công trình được thiết kế theo lối kiến trúc cổ truyền của chùa chiền phương Đông. Phía trước tiền đường là ba ngôi tháp uy nghi:
Ở giữa là Bảo các Quan Âm [8] gồm 9 tầng, cao 35 m. Ngoài tầng trên cùng thờ Xá lợi Phật, các tầng còn lại thờ các vị Phật (tượng bằng đá cẩm thạch trắng, cao lớn bằng người thật): tầng 7 thờ Phật Thích Ca, tầng 6 thờ Bồ Tát Quán Thế Âm, tầng 5 thờ Bồ Tát Đại Thế Chí, tầng 4 thờ Bồ Tát Văn Thù, tầng 3 thờ Bồ Tát Phổ Hiền, tầng 2 thờ Bồ Tát Địa Tạng, tầng 1 thờ Bồ Tát Di Lặc, tầng trệt đặt tượng Bồ Tát Quán Thế Âm.
Bên phải là Tháp Hòa thượng khai sơn Thích Thiện Quang, cao 3 tầng. Tầng giữa là nơi an trí di cốt của Hòa thượng được đưa về từ chùa Huệ Nghiệm ở An Dưỡng Địa (Thành phố Hồ Chí Minh).
Bên trái là Tháp chuông hình bát giác, gồm 2 tầng: tầng trệt có tượng Phật Quan Âm thiên thủ thiên nhãn (tượng cỡ nhỏ bằng đá cẩm thạch trắng). và treo quả đại hồng chung nặng 1,2 tấn, tầng trên thờ Phật A-di-đà (tượng có kích cỡ lớn hơn tượng Quan Âm nơi tầng trệt, cũng bằng đá cẩm thạch trắng).
Phần Chánh điện là một tòa nhà rộng lớn. Điện Phật được bày trí tôn nghiêm. Chính giữa tôn trí bảo tượng đức Phật Thích Ca thiền định. Tượng bằng đá nguyên khối, nặng 2 tấn. Hai bên tượng đức Phật đặt hai phù điêu Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng. Phía trước điện Phật đặt hai phù điêu Hộ pháp và Tiêu Diện. Phần hậu điện, có phù điều Tổ Bồ-đề-đạt-ma. Tất cả đều được tạc bằng đá quý.
Tuy nhiên, năm 2011, để cho Chánh điện chùa Vạn Linh được hài hòa với các công trình chung quanh, tòa nhà này đã được di dời ra phía sau (và trở thành nhà Hậu Tổ), để nhường chỗ cho một công trình to rộng khác đang được xây dựng, gồm hai tầng: tầng trệt có diện tích 25 m x 35 m, sẽ dùng làm Giảng đường; tầng lầu có diện tích 26, 8 m x 36,8 m, sẽ dùng làm Chánh điện.
Ngoài ra, trong khuôn viên còn có một số công trình khác, như Niệm Phật đường (rộng lớn, xinh đẹp, tọa lạc ở vị trí cao nhất phía bên phải Chính điện), nhà cho chư tăng tu học, nhà khách, trai đường, nhà bếp, v.v…đã và đang tiếp tục xây dựng.