Tìm hiểu về Chùa Bổ Đà – Bắc Giang
Chùa Bổ Đà có tên chính xác là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự, gọi tắt là chùa Bổ, còn có các tên gọi khác là chùa Quán Âm, Tứ Ân Tự , là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất miền đất Kinh Bắc, là Trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Nội dung
Chùa Bổ Đà
Chùa toạ lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), phía Bắc dòng sông Cầu, thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (xã Tiên Lát, huyện Việt Yên, phủ Lạng Giang, tỉnhBắc Ninh xưa). Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam, nhiều cổ vật có giá trị và kho tàng di sản Hán – Nôm phong phú. Đây cũng là nơi sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại, xung quanh là đồi núi xóm làng bao bọc. Chùa thờ Tam giáo, trong đó có Quán Thế Âm Bồ Tát, Trúc Lâm Tam tổ (gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang), Khổng Tử… Quần thể chùa Bổ Đà là một tập hợp di tích gồm: chùa cổ có tên là Bổ Đà Sơn (gọi tắt là chùa Bổ Đà, chùa Bổ; còn gọi là chùa Quán Âm), chùa chính Tứ Ân Tự, Am Tam Đức (xây dựng sau, vào thời Hậu Lê). Ngoài ra trên núi Bổ Đà còn có đền thờ Đức Thánh Hóa (tức Thạch Tướng Đại Vương – có công giúp vua Hùng thứ 16 chống giặc ngoại xâm).
Kiến trúc Chùa Bổ Đà
Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc “nội thông ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng. Với hệ thống bố cục kiến trúc hài hòa được xây dựng bằng các vật liệu: gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất rất độc đáo. Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối chình tường. Cổng vào chùa nền lát đá muối có kích thước to nhỏ khác nhau, xây theo kiến trúc thời Nguyễn mang dáng dấp gác chuông. Điểm đặc biệt ở đây là nhiều bức tường được xây bằng tiểu sành giống như làng Thổ Hà, nơi chuyên sản xuất chum vại, tiểu sành cách đó vài cây số, tạo vẻ rất trầm mặc, gần gũi với vùng thôn quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Toàn bộ chùa chính có diện tích khoảng 51.784m² được phân ra làm ba khu rõ rệt. Khu vườn: 31.000m², khu nội tự chùa 13.000m² và khu vườn tháp rộng: 7.784m².
Khu vườn tháp ngàn
Khu vườn tháp ngàn năm tuổi được xây tường đất kè đá. Với một vườn tháp cổ, nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các vị tăng ni, với gần 100 ngôi tháp (có 87 tháp, được xây vào các thời điểm với nhiều kiểu loại khác nhau, không kể 18 mộ không xây), vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam. Các ngôi tháp mộ xếp hàng hàng, lớp lớp và được xây dựng theo những quy định riêng và rất chặt chẽ của thiền môn. Mỗi cây ít nhất cũng an táng từ 4 thi hài đến 26 thi hài, tổng cộng có tất cả 1214 thi hài. Trong số 3 cuốn gia phả bằng chữ Hán ghi rất rõ ràng: “Chỉ những người trong phái Sơn Môn mới được an táng tại vườn tháp, tháp của tăng có hình bình cam lộ trên đỉnh, tháp của ni có trên ngọn có hình hoa sen.”
Trải quan gần 300 năm kể từ khi sư tổ Phạm Kim Hưng cho tu bổ lần đầu tiên đến nay, chùa Bổ Đà gần 100 ngôi bảo tháp lớn nhỏ. Đặc biệt có ngôi tháp an tàng tới 26 nhà sư. Họ đều là anh em cùng sơn môn, cùng tu 1 thầy, quý mến nhau muốn khi được về nơi tịch diệt vẫn được nằm cạnh nhau.
Các ngôi bảo tháp đều được kiến tạo bằng đá, gạch chỉ và bít mạch bằng vôi vữa trộn với mật mía và bột giấy bản. Đa số các ngôi bảo tháp đều có tên nhưng do lâu năm nên nét chữ đã mờ phai nhiều. Trong lòng tháp thường có bia ghi bài vị và ghi thời gian sinh, hóa của các nhà sư vì vậy mỗi ngôi bảo tháp là những nguồn tư liệu chân thực giúp thế hệ sau này hiểu sâu sắc hơn về Thiền phái Lâm tế nói chung và lịch sử chùa Bổ Đà nói riêng.
Khu vườn chùa
Khu vườn chùa nơi được trồng các loại cây ăn quả truyền thống và các loại hoa màu theo thời vụ. Xung quanh được đào hào (rộng 2m sâu 1,5m) vừa để thoát nước vừa để ngăn cách bảo vệ. Ngoài giá trị vật chất của di tích, từ xưa khu vườn chùa Bổ Đà đã là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân.
Khu nội tự chùa
Chùa chính Tứ Ân Tự xây dựng vào thời Hậu Lê, được thiết kế theo kiểu kiến trúc Nội công ngoại quốc (một nét đặc trưng của chùa Việt Nam) bố trí tám cửa ra vào tượng trưng cho tám quái của vũ trụ (bát quái), đường đi thiết kế theo kiểu chữ Lục (六), trời mưa đi từ nhà nọ sang nhà kia không bị ướt. Kiểu kiến trúc này giống với chùa Phật Tích tại Bắc Ninh. Toàn bộ khu chùa hiện nay gồm 16 toà nhà lớn nhỏ với tổng số 92 gian. Bao gồm: nhà bếp, nhà tạo soạn, nhà tổ ly, nhà tổ, nhà tiền tế, nhà in Kinh,nhà trai, nhà hành lang hình thước thợ, nhà pháp, nhà khách, nhà ga, toà tam bảo. Toà Tam bảo kiến trúc theo kiểu chữ đinh. Phần hậu cung dài 12m x 7,7m gồm 5 gian. Toà tiền đường dài 21m x 11m có 7 gian, tường gạch, lợp ngói, nền lát gạch vuông, nền nhà cao 0,90m có 3 bậc. Bậc thềm được lát bằng những phiến đá xanh có kích thước to nhỏ khác nhau. Phía trên là 5 bộ cửa bức bàn. Dấu vết kiến trúc còn lại cho thấy các công trình được xây dựng vào thời Lê – Nguyễn. Từ khi khởi dựng đến nay nó vẫn ở nguyên vị trí ban đầu.
Hệ thống tượng Phật thời Lê
Hệ thống tượng Phật ở chùa Bổ Đà được bài trí theo dòng phái Lâm Tế có sự kết hợp với tín ngưỡng dân gian bản địa và Đạo giáo. Phật giáo vào vùng đất Bắc Giang là Phật giáo Thiền Tông nhưng không thuần túy, nó có sự kết hợp các yếu tố của Tịnh Tông, Mật Tông. Mặt khác trong khi du nhập vào Bắc Giang, đạo Phật đã tiếp thu và kết hợp với các yếu tố văn hóa dân gian, Đạo giáo. Chùa Bổ Đà là nơi kết hợp đủ các yếu tố văn hóa này. Chùa có ban thờ Đức Thánh Hóa, ở tiền đường bên trái có tượng của ngài gắn liền với thần tích về Thạch Tướng quân, có ban thờ đặt tượng Khổng Tử và Thái Thượng Lão quân. Ở nhà tổ lại có ban thờ tượng Tổ của thiền phái Trúc Lâm tam tổ, trên có bài trí tượng Tổ Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Trong ký ức dân gian, nhân vật Thạch Tướng Quân được tôn thờ ở các khía cạnh khác nhau: Thứ nhất là vị tướng có tài năng và sức mạnh đặc biệt; thứ hai là vị tướng lập chiến công kỳ vỹ giúp nhà vua đánh thắng giặc Man; thứ ba là vị thần bảo hộ cho dân làng Tiên Lát. Chính những khía cạnh được tôn vinh này đã làm cho hình tượng nhân vật Thạch Tướng Quân in khắc vào trí tưởng tượng của nhân dân và có một sức sống lâu bền trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng cư dân.
Bộ mộc bản chùa Bổ Đà
Kho mộc bản kinh Phật nằm ở khu hậu viện của chùa, với mục đích muốn lưu truyền cho đời sau, vừa dùng làm phương tiện truyền dạy Phật pháp cho các môn đồ. Kho mộc bản kinh Phật ở đây được khắc từ năm 1740 đời vua Lê Cảnh Hưng (số năm được khắc trên ván kinh), còn bản sách kinh cuối cùng được khắc năm nào thì chưa rõ, nhưng trải qua 3 thế kỷ nhưng bộ mộc bản kinh vẫn giữ nguyên vẹn về hình thái. Trải qua gần ba thế kỷ, những hoa văn, chữ nổi trên ván kinh bằng gỗ thị vẫn còn rất sắc nét, không hề bị mối mọt. Không chỉ có văn tự, những nghệ nhân rất tài hoa khi xưa đã chạm, khắc lên những ván gỗ nhiều hình ảnh tinh xảo.
Lễ hội chùa Bổ Đà
Hội chùa Bổ Đà hàng năm tổ chức từ ngày 16 đến 18 tháng 2 âm lịch rất long trọng và đông vui (phần lễ kéo dài từ Tết Nguyên Đán). Đó là ngày giỗ tổ khai sơn lập ra chùa Bổ Đà. Thanh niên nam nữ khách thập phương kéo về dự hội rất đông. Đến hẹn lại lên, vào dịp lễ hội ngoài việc đến lễ Phật cầu mong an lạc, còn là dịp để những liền anh, liền chị của các làng quan họ trong vùng gặp gỡ, giao duyên trong những bộ trang phục truyền thống với những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm, thấm đượm hồn quê. Ngoài ra, ngày 8 tháng 4 Phật đản làm lễ dâng hương ở chùa, ngày 15 tháng 7 lễ tán hạ.