Quả báo thông ba đời

Chia sẻ ngay

Trong Kinh Phật thường nói: “Quả báo thông ba đời và người sinh con cái lược có bốn nhân.” Quả báo thông ba đời gồm có: hiện báo, sinh báo và hậu báo.

Hiện báo là đời nay làm dữ, lành, đời nay được họa phước; như sĩ tử siêng cần học tập, hiện thân được công danh. Việc này mắt phàm đều có thể thấy.

 

Sinh báo là đời nay làm dữ lành, đời sau được họa phước; như ông cha trọng văn chất, con cháu mới phát đạt, hiển vinh (sinh báo ước nơi bản nhơn và việc cách đời khó chỉ rõ, là tạm mượn thí dụ để cho dễ hiểu, xin đừng nhân lời mà hại ý). Việc này mắt phàm không thấy, thiên nhãn còn có thể thấy được.

Hậu báo là đời nay làm dữ, lành, đến đời thứ ba, thứ tư, hoặc ngàn muôn đời, cho đến vô lượng vô biên hằng hà sa kiếp về sau mới được họa phước; như vương nghiệp của đời Thương, Châu, thật ra mở đầu từ ông Tắc, ông Khiết.

Việc ba, bốn đời thiên nhãn còn thấy được, nếu việc trăm ngàn kiếp thiên nhãn không thể thấy, nhưng đạo nhãn của hàng Thanh văn thấy biết rõ ràng. Đến như việc vô lượng vô biên hằng hà sa kiếp, chỉ có đấng Như Lai ngũ nhãn tròn sáng mới nhìn sáng suốt trước sau. Cảnh ấy còn không phải là nhãn giới của Thanh văn, huống chi là thiên nhãn, nhục nhãn? Biết được quả báo ba đời, thì sự làm lành được phước, dữ mang họa, lời Thánh vẫn không sai, và giàu nghèo, sang, hèn, thọ, yểu, cùng, thông đều có số phần, đâu từng thiên lệch? Như hình đẹp xấu thế nào, bóng hiện trong gương cũng như thế ấy, người trí biết sửa đổi hình, kẻ ngu luống ghét hờn với bóng! Cảnh nghịch vẫn thuận chịu, là biết vui số phần; không oán trời trách người, mới có thể lập mạng.

Con cái có bốn nhân: báo ân, báo oán, trả nợ, đòi nợ. Báo ân là con đối với cha mẹ đời trước có mang ân, vì báo ân nên đến làm con, trọn đời phục dịch nhọc nhằn, khiến cho song thân khi sống còn được phụng dưỡng an vui, lúc qua đời được chôn cất, cúng tế. Cho đến hoặc con làm những việc giúp nước an dân, danh nêu thanh sử, để cho thiên hạ đời sau nhân kính người mà mến trọng cả cha mẹ như các ông: Tăng Lỗ Công, Trần Trung Túc, Vương Quy Linh, Sử Đại Thành… Đời nay những con thảo cháu hiền đều thuộc về hạng ấy.

Báo oán là cha mẹ đối với con đời trước có điều phụ nghĩa, nó mới đến làm con để báo oán. Khi còn nhỏ con đã sinh lòng ngỗ nghịch, lớn lên lại gây họa làm lụy cho cha mẹ; khi song thân còn sống, không cung phụng, lúc chết, để nhục lây đến kẻ cửu tuyền. Thậm chí có khi, con nắm quyền chức trọng yếu rồi làm điều trái phép, khiến cho nhà cửa nát tan, dòng họ diệt tuyệt, mồ mả bị đào xiềng, để thiên hạ đời sau nhân thóa mạ người mà ghét luôn cả cha mẹ, như bọn Vương Mãng, Tào Tháo, Đổng Trác, Tần Cối…

Trả nợ là đời trước con có thiếu tiền của nơi cha mẹ, vì trả nợ nên đến làm con, nếu số thiếu nhiều thì trả đến mãn đời song thân, thiếu ít hoặc đến nửa chừng rồi đi. Như con học vừa thành danh thoạt chết mất, buôn bán mới vừa được lợi bỗng lìa trần.

Đòi nợ là đời trước cha mẹ có thiếu tiền nơi con, nay nó đến làm con để đòi lại. Như số nợ nhỏ thì cha mẹ chỉ tốn tiền cho con ăn mặc, thuốc men, học hành, cưới gả, và dạy bảo đủ điều muốn cho mai sau thành lập, nhưng vì kỳ hạn đã mãn, nó liền qua đời. Nếu số nợ lớn, có khi đứa con xài phá tiêu tan hết sự sản của cha mẹ mới thôi.

Nay tôi xem lệnh tử dường như đòi nợ mà đến, may vì số nợ có ít, nên vừa lớn khôn đã vội từ trần. Vậy cư sĩ nên sám hối nghiệp đời trước, gắng sức tu hành. Do sự bồi phước ấy, chắc có lẽ rồi đây cư sĩ sẽ sinh được đứa con quí làm rực rỡ tông môn chớ chẳng không! Xem như đức Khổng Tử là Thánh nhơn mà người con một mất thuở trung niên, Thầy Nhan Uyên là bậc đại hiền, song lại tuổi xuân ngắn ngủi, ông Nguyên Hiến nghèo xơ xác, Thầy Tử Lộ bị tuẫn nạn. Bá Di, Thúc Tề chết đói nơi núi Thú Dương, còn Ngài Cừ Bá Ngọc cùng khốn ở nước Vệ. Cư sĩ cho rằng Thánh hiền do tu đức mà bị trời phạt ư? Hay là sống chết, giàu sang đều có số mạng? Vậy cư sĩ chỉ nên trách đức mình chưa đủ, chớ hỏi điều họa phước làm chi. Được như thế kiết thần sẽ đến, tai tinh tự nhiên lánh xa.