Ý nghĩa của Phật hóa gia đình
Phật hóa gia đình là chương trình hoạt động Phật sự trọng tâm của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, nhằm hướng dẫn khuyến khích động viên tất cả Phật tử tại gia phát tâm quy y Tam bảo, giữ gìn năm giới nỗ lực nghiên cứu học tập, ứng dụng những lời dạy quý báu của Đức Phật vào cuộc sống, trao dồi đạo đức cá nhân, xây dựng gia đình hạnh phúc, trên thuận dưới hòa, hộ trì Tam bảo, góp phần chăm lo đời sống những người bất hạnh và hướng đến việc xây dựng xã hội ngày càng văn minh tiến bộ.
Phật hóa gia đình
Cổ đức có dạy: “Trụ pháp vương gia, trì Như lai tạng”, có nghĩa là: ở nhà Pháp vương, giữ kho Như lai. Nhà của Pháp vương chính là cơ sở tự viện, kho của Như lai chính là ba tạng kinh luật luận, hệ thống tư tưởng Phật giáo. Tam bảo nói chung, ngôi chùa nói riêng, có được trường tồn vĩnh cữu, hưng long thịnh vượng hay không, là do đức độ tu hành và khả năng hoạt động của vị trụ trì.
Cho nên vị trụ trì là người mang trọng trách trong việc thực hiện chương trình Phật hóa gia đình, thành công hay thất bại cũng do vị trụ trì. Kế đến là chư Tôn đức Tăng Ni giảng sư, quý vị Hoằng pháp viên, quý vị nhân sĩ trí thức, nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ thuộc giới Phật giáo hoặc có cảm tình với đạo Phật.
Một thành phần nữa, chính là các cư sĩ đang sinh hoạt tu học tại các đạo tràng, các huynh trưởng, đoàn sinh Gia đình Phật tử. Có thể nói đây là lực lượng nòng cốt, là hạt nhân tốt trong các hộ gia đình, họ sẽ tích cực tham gia thực hiện.
Về mặt tổ chức, Ban Hướng dẫn Phật tử các Tỉnh Thành hội Phật giáo có trách nhiệm kết hợp các ban liên hệ, hướng dẫn đôn đốc khuyến khích chư Tôn đức trụ trì và quý Phật tử thực hiện thành công chương trình Phật hóa gia đình.
Ý nghĩa Phật hóa gia đình
Gia đình mỹ mãn sự nghiệp thành công.
Trên lập trường quan điểm của người tu tập khi nói đến nguyên tắc để gia đình được mỹ mãn và sự nghiệp được thành công thì có thể tóm lượt vào hai câu: Dùng toàn tâm toàn lực lo lắng cho gia đình, dùng toàn thể sinh mạng để đầu tư cho sự nghiệp.
Nếu có thể đem hết tâm, hết sức để chăm sóc cho tất cả mỗi thành viên trong gia đình thì bất luận là người giàu sang hay nghèo hèn cũng đều có thể làm cho mọi người trong gia đình được mạnh khoẻ yên vui, nếu biết đem hết sinh mạng của mình tận lực trong công việc thì bất luận là chức vị cao thấp, lớn nhỏ đều khiến cho tự mình và người khác đồng hưởng được kinh nghiệm của sự thành công.
Cuộc sống vật chất đầy đủ chưa chắc đã có được sự mỹ mãn trong gia đình, còn sự hào nhoáng bề ngoài chưa chắc là đã có được sự thành công trong sự nghiệp. Nếu mỗi thành viên trong gia đình cảm nhận được rằng họ được tôn trọng và cảm thấy ấm cúng khi được lo lắng thì gia đình mới mỹ mãn, nếu đem hết tâm ý đầu tư vào công việc thì mới có thể : Nhất nghệ tinh nhất thăng vinh.
Mỗi người thân trong gia đình tương kính giúp đỡ nhau.
Con người trong cuộc sống hiện tại vì quá chú trọng đến lợi ích cá nhân, do đó đã tạo nên sự cách biệt giữa người thân trong gia đình với nhau, vợ chồng có sự rạng nứt, thậm chí cho đến anh chị em cũng không dung hợp. Mỗi người trong gia đình tuy sống bên nhau, nhưng ai lo chuyện nấy, lắm lúc còn muốn chi phối người khác, tranh giành quyền lợi với nhau, cuối cùng cha mẹ không hiểu được tâm ý của con cái, làm con không thông cảm được sự khổ tâm của cha mẹ, vợ chồng không tin tưởng và nhường nhịn lẫn nhau, hầu như mỗi thành viên trong gia đình đều đánh mất đi niềm tin và sự an toàn.
Kết cuộc cha mẹ già bị con cái tống vào viện điều dưỡng lão, con cái trong gia đình tính cách ngỗ nghịch, những người con trong nhà khi còn trẻ chỉ muốn rời bỏ mái ấm gia đình để tìm sự độc lập, cho đến quan hệ hôn nhân nam nữ càng ngày càng lỏng lẻo, người người đều mong ước: Một gia đình mỹ mãn nhưng hình như đó chỉ là khẩu hiệu và giấc mộng mà thôi.
Thật ra vợ chồng nếu biết tôn trọng lẫn nhau, thông cảm cho nhau, học tập lẫn nhau, trung thành với nhau cùng lo lắng cho nhau thì việc kiến lập gia đình hôn nhân mỹ mãn không còn là việc khó nữa.
Kinh doanh sự nghiệp, nỗ lực thiết thực.
Ngoài ra quan niệm giá trị của xã hội bị đảo lộn, nhiều người chỉ biết lấy tài sản, danh vọng, địa vị và quyền thế làm thước đo cho sự thành công của sự nghiệp, mà không hề biết rằng sự thành công trong sự nghiệp trước hết là phải nhờ vào phước báo, sau đó mới đến sự nỗ lực và tài năng thì mới có thể tác thành nên được. Nếu không có phước báo mà chỉ dựa vào sự nỗ lực thì chưa chắc đã cảm thấy được như ý trên phương diện danh lợi và quyền thế.
Nhiều người không hiểu được chân lý này nên chỉ biết cầu lợi ích cho bản thân mà bất chấp lợi ích của người khác và của số động. Chỉ dựa vào kẻ hở của pháp luật hay sự lụn bại của xã hội để tranh quyền đoạt lợi, lấy công làm tư, bất chấp thủ đoạn, vô hình chung đã làm thương tổn biết bao nhiêu người và đảo lộn trật tự xã hội, trước mắt có thể nhìn thấy sự thành đạt nào đó nhưng rồi cũng không thể tránh khỏi lưới trời lồng lộng, hay sự nguyền rủa của xã hội. Dù cho có thể tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật nhưng vẫn không thể trốn tránh được nhân quả, nghiệp báo.
Cho nên lý tưởng tìm cầu thành công trong sự nghiệp, là điều đáng khích lệ nhưng nó phải phù hợp với quy luật nhân quả báo nghiệp báo. Nếu không như vậy sẽ trở thành hại người hại mình hay tội nhân của xã hội. Do vì người đời nay chỉ biết cái lợi trước mắt, cho nên một khi cảm thấy cá nhân bị áp chế thì rất dễ sanh tâm biến đổi, do vậy mà sự biến động trong ngành nghề là rất lớn, nhiều người cứ thay nghề đổi nghiệp liên miên, trong tình trạng mất ổn định của việc làm thì thân tâm nhất định sẽ không bao giờ có được an lạc, thậm chí còn làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình.
Đương nhiên nếu là sự chuyển biến của từng giai đoạn hay là sự thay đổi nằm trong kế hoạch hoặc là sự điều chỉnh để thăng tiến thì đều là quá trình trưởng thành, cũng chính là những bước đi phải trải qua trên con đường hướng đến thành công. Nhưng nếu lúc nào cũng không vừa lòng với hoàn cảnh và công việc hiện tại. Không chịu đem hết tâm sức đầu tư vào công việc mà mình đang làm thì sẽ không có được kết quả của sự thành công trong việc làm cũng như trong sự nghiệp.
Người bận rộn chính là người có thời gian nhiều nhất.
Hình như con người hiện nay không ai là không bận rộn, vì miếng cơm manh áo không những chỉ làm một việc mà thậm chí còn kiêm nhiều chức, có khi ban ngày bận rộn với sự nghiệp của cá nhân, hay công việc đến nỗi thở không ra hơi, nhưng đêm đến còn phải đi tiếp khách, dùng cơm. Cho nên nhiều người quá bận rộn với sự nghiệp mà sơ suất trong vấn đề chăm sóc gia đình, mỗi ngày sớm đi tối về, một tuần chưa chắc đã có được một, hai lần gặp mặt con cái, thậm chí vợ chồng cũng không đủ thời gian tâm sự với nhau. Trong một cuộc sống bận rộn như vậy làm thế nào chăm sóc mọi thành viên trong gia đình một cách chu đáo, quả là một vấn đền lớn lao.
Lấy kinh nghiệm của người tu đạo mà nói có thể chứng minh được rằng: Người bận rộn chính là người có thời gian nhiều nhất bởi vì chỉ cần có tâm, người bận rộn cũng biết vận dụng, sắp xếp thời gian để chăm sóc cho gia đình và lo lắng sự nghiệp đến chỗ trọn vẹn cả đôi đường.
Người tu sĩ tuy là không có vợ con hay sự liên luỵ của gia đình nhỏ nhưng lại có gia đình lớn là tự viện và sự quản giáo tăng ni cùng đồ chúng. Thân gánh trọng trách của người chủ nhà, cha mẹ và thầy tổ. Người tu sĩ phải đem hết tâm sức để xây dựng tự viện, chăm sóc đồ chúng. Mặc dầu bận rộn trong công việc hoằng pháp lợi sinh nhưng không thể quên việc quan tâm đến từng người đệ tử, có khi dùng phương pháp thảo luận tập thể chỉ đạo, cũng có lúc dùng tâm sự riêng tư để khai thị và khuyến khích. Tục ngữ có câu : Không ai hiểu con bằng cha là sư phụ thì phải là người mà trong tâm, trong mắt của đệ tử thấy rằng Thầy chính là người hiểu mình thì đệ tử mới cam tâm làm học trò của mình.
Cũng như vậy là cha mẹ nếu không hiểu tâm ý, tính cách, sở thích, tư chất, và tiềm năng của con cái thì không thể có được phương pháp để hướng dẫn cho con cái tìm ra hướng đi cho tương lai của chúng, nếu không thể diều dắt con cái trưởng thành, không là người tri ân tri kỷ trong lòng của chúng thì không có được sự tin tưởng của chúng và không đem đến cho chúng cảm giác an toàn.
Toàn tâm toàn lực chăm sóc cho gia đình và sự nghiệp.
Đối với gia đình và sự nghiệp, nếu biết dốc hết tâm sức thì nhất định sẽ đạt được thành quả. Người Phật tử phải biết: Sống trong hiện tại, Phật trong hiện tại có nghĩa là cấp thời nỗ lực, cấp thời tâm an. Với thái độ: Bước từng bước vững chắc để nhắc nhở mình cuộc sống rất ngắn ngủi, cần phải bước vững chắc thì cuộc sống mới có giá trị.
Nếu trong cuộc sống hiện tại mỗi lúc mỗi nơi đều dùng hết tâm sức để thích ứng, cảm nhận không màn đến sự thành bại và sự được mất thì đó chính là chân lý xử thế: Đối diện với nó, tiếp nhận nó, xử lý nó và buông bỏ nó.
Nói tóm lại mỗi thành viên trong gia đình biết chân thành lo lắng cho nhau, thông cảm và hiểu biết những khó khăn của nhau để bao dung và tha thứ cho nhau thì không cần phải tốn nhiều thời gian mà vẫn có được một gia đình hạnh phúc yên vui, còn đối với sự nghiệp cần biết dụng hết tâm trí trong mỗi từng công việc, trong khi suy nghĩ biết dụng hết tâm sức để suy tư, trong lúc xử lý vấn đề thì biết đem cả sinh mạng để đầu tư giải quyết thì sẽ đạt được thành quả huy hoàng. Cho dù không có được sự thu hoạch trên phương diện vật chất, nhưng đối với sự an định của thân tâm, sự trưởng thành trong kinh nghiệm và sự cống hiến cho xã hội, nhất định sẽ có được thành tựu đáng kể.