Làm sao để được vãng sanh?

Chia sẻ ngay

Muốn được vãng sanh phải đủ 3 yếu tố: Tín, Hạnh, Nguyện như đảnh 3 chân thiếu 1 tất ngã.

Tín: Là tin có: tự, tha, nhơn, quả, sự và lý.

Hạnh: Là chấp trì danh hiệu Phật cho được “nhất tâm bất loạn”.

Nguyện: Là quyết muốn thoát khỏi cõi Ta-Bà, cầu sanh về nước Cực-Lạc.

Tin

Dưới đây ại khái 6 lối tin về Tịnh-Độ.

Tin tự: Tin chắc rằng mình có Phật tánh sáng suốt, đủ vô lượng công đức. Nếu mình cố công lo niệm Phật thì quyết có thể chứng ngộ được.

Tin tha: Công nhận rằng lời dạy của Đức Phật Thích-Ca không luống dối; Đức Phật A-Di-Đà luôn luôn nhiếp thọ tùy theo cơ cảm của mình mà ứng.

Tin nhơn: Đinh ninh công hạnh niệm Phật hiện tại của mình có năng lực giải thoát.

Tin quả: Tin chắc ở chín phẩm sen vàng là nơi sẽ về của ta sau này.

Về được đó thì dù hạng nào cũng không thối chuyển.

Tin sự: Xác nhận ngoài cõi Ta-Bà có một cõi Cực-Lạc đúng như lời Phật nói.

Tin lý: Tin tự tâm ta cũng tức là Tịnh-Độ, nếu một khi nó đã được trong sạch.

Sự và lý viên dung không tách biệt. Tóm lại, không tin thì thôi, nếu có tin cần phải tin sâu, tin chắc, và tin rồi phải thực hành.

Hạnh

Hạnh: Là thực hành, phải cho kiên nhẫn và đúng pháp.

Kế đây là bài dịch ý của mấy vần thơ mà Tổ Đức Nhuận đã bàn về sự niệm Phật để giúp vào một phần nào cho sự thực hành ấy được đúng.

Xét ra niệm Phật dễ mà không
Ý, khẩu buông lung giữ chẳng đồng
Miệng niệm Di-Đà tâm toán loạn
Dầu cho bể cổ vẫn là không

Ấy đó, niệm Phật cốt phải giữ tâm và miệng đi đôi, nghĩa là miệng niệm thì tai phải nghe, tâm phải chú ý nghĩ nhớ Phật và nhất là tâm ý phải không tán loạn, không nghĩ xằng xiêng mới có hiệu quả.

Đây là bước thứ nhất của sự niệm Phật, nếu ai chưa được mà vội trách móc, vội ngã lòng rằng sao niệm hoài mà không thấy gì hết, rằng sao càng niệm chừng nào càng rối rắm chừng nấy v.v… thì thiệt là một điều oan uổng và đáng tiếc!

Để giúp sự niệm Phật được dễ dàng tôi xin nêu ra đây những bí quyết thành công của Ngài Giác Minh Diệu Hạnh đã dạy mà Thượng Tọa Trí Tịnh đã lược giải trong quyển “Đường về Cực-Lạc”:

Ðiều kiện thứ nhất: trong lúc niệm, phải rành rẽ rõ ràng.

Rành rẽ là chữ câu rành rẽ không lộn lạo, mù mờ. Rõ ràng, là tiếng nói rõ ràng, không trại tiếng.

Ðiều kiện thứ hai: tiếng phải hiệp với tâm, tâm phải duyên theo tiếng, tâm và tiếng hiệp khắn với nhau.

Ðiều kiện thứ ba: phải chí thành tha thiết, với đức Từ Phụ, lòng ta như con thơ nhớ mẹ, với cõi Cực Lạc lòng ta như viễn khách tưởng cố hương.

Ðiều kiện thứ tư: không cho xen lộn một mảy tưởng niệm thế sự; nghĩa là phải luôn nhiếp tâm trụ nơi tiếng niệm Phật, không xao lãng. Nếu lỡ xao lãng phải liền nhiếp thâu lại.

Với trường hợp đây, chú tâm nhận chắc lấy tiếng của mình niệm là công hiệu nhất.
Trong quyển Niệm Phật Luận ngài Đàm Hư Đại lão Pháp sư đã nói:

Một khi niệm câu A-Di-Đà Phật được tương ứng, liền đó hành giả được 6 căn thanh tịnh. Vì:

1/ Mắt thường nhìn Phật thì nhãn căn thanh tịnh.

2/ Tai nghe tiếng niệm của mình và của đại chúng thì nhĩ căn thanh tịnh.

3/ Mũi nghe biết hương thơm của nhang, trầm thì tỷ căn thanh tịnh.

4/ Lưỡi cử động để niệm Phật thì thiệt căn thanh tịnh.

5/ Thân ở trong đạo tràng mà lạy Phật thì thân căn thanh tịnh.

6/ Trong khi niệm, lạy, tâm thường tưởng Phật thì ý căn thanh tịnh.

Nguyện

Nguyện: Nguyện phải cho thiết tha, cho quyết định.

Chúng ta có thể lựa một trong các bài văn phát nguyện rồi học thuộc lòng, để trước khi lên giường ngồi xếp bằng hướng về Tây-Phương phát nguyện xong sẽ nằm ngủ.

Hoặc những vị kém trí nhớ hằng ngày phát nguyện TRÌ-DANH NIỆM-PHẬT – Niệm Nam-mô A-Di-Đà Phật, đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm, ăn cũng niệm, làm việc cũng niệm, cho đến những chỗ không sạch sẽ cũng đều niệm được cả (nhớ những lúc này niệm thầm, vì niệm lớn sanh tội bất kính).

Niệm từ buổi mai khi mới thức dậy, cho đến buổi tối, cả ngày niệm không xen hở. Khi gần đi ngủ, ngồi xếp bằng, bán già, hay kiết già, chắp tay mà nguyện rằng: Con tin lời của Đức Phật A-Di-Đà, giữ một lòng niệm danh hiệu Phật, nguyện đời này bao nhiêu tội chướng thảy đều tiêu sạch, đến khi lâm chung được Phật và các vị Bồ-Tát, đến tiếp dẫn chúng con về Cực-Lạc.

Trích từ: An Dưỡng Tập và Phật-Học phổ-thông