Khai thị về pháp môn niệm Phật của các đại sư
Ở cõi này, kẻ thượng thọ không quá trăm tuổi, tính lại lúc thơ ấu dại khờ, khi già cả suy yếu, lúc đau bịnh, khi ngủ nghỉ, bao nhiêu đó đã chiếm hơn phân nửa đời người; phương chi bậc Bồ Tát còn mê khi cách ấm, hàng Thanh Văn còn muội lúc xuất thai, tấc bóng ngàn vàng mười phân hao hết chín, mà tu hành chưa lên ngôi bất thối, thật đáng kinh lòng! Người ở Tây Phương thọ mạng không lường, một khi gởi chất nơi hoa sen thì không còn sự khổ sanh già bịnh chết, tu hành tiếp tục mãi cho đến khi chứng quả Bồ Ðề. Khai thị về pháp môn niệm Phật của các đại sư sẽ giúp quý vị vững tâm hơn trên con đường tu học:
Nội dung
Đạo Xước Đại Sư
* Đại sư bảo: “Người tu tịnh nghiệp khi ngồi nằm không được xây lưng về hướng Tây, cũng không được hướng về Tây khạc nhổ cùng đại tiểu tiện. Bởi đã quy y về liên bang, nên tôn sùng miền kim địa, nếu lòng không trân trọng, đâu phải là chí nguyện cầu sanh?”
Hỏi: Niệm hồng danh đức A Di Đà, có thể tiêu trừ nghiệp vô minh tăm tối và được vãng sanh; sao có người xưng niệm mà vô minh vẫn còn, lại không mãn nguyện, là duyên cớ gì?
Đáp: Do không như thật tu hành, cùng với danh nghĩa không hợp nhau, ấy bởi chẳng biết Như Lai là thân thật tướng, là thân vị Phật. Lại có ba thứ không tương ứng, nên không được vãng sanh.
Lòng tin không thuần, khi còn khi mất.
Lòng tin không duy nhất thường đổi thay không quyết định.
Lòng tin không tương tục, hằng bị tạp niệm làm cho gián đoạn.
Cho nên khi niệm Phật phải nhiếp tâm đừng cho tán loạn, nếu niệm được tương tục là tín tâm, là nhất tâm, là thuần tâm. Niệm như vậy mà không vãnh sanh, ấy là vô lý.
Từ Giác Đại Sư
* Đại sư nói:
– Người mới học đạo, nhẫn lực chưa thuần, nên phải mượn tịnh duyên để giúp phần tăng tiến. Tại sao thế?
– Bởi ở cõi Ta Bà, Phật Thích Ca đã nhập diệt, đức Di Lặc chưa giáng sanh; miền Cực Lạc thì từ phụ A Di Đà hiện đương thuyết pháp. Với đức Quán Âm, Thế Chí, người cõi Ta Bà luống khát ngưỡng danh lành, nếu về Tịnh Độ thì bậc thượng thiện nhân như hai ngài ấy, đều là bạn tốt.
– Ta Bà, các loài ma nổi dậy, làm não loạn người tu; trái lại nơi cõi Cực Lạc trong ánh đại quang minh, đâu còn ma sự?
– Ta Bà dễ bị tiếng tà quầy loạn, sắc đẹp mê tâm; miền Cực Lạc thì chim nước rừng cây đều tuyên dương diệu pháp, chánh báo thanh tịnh, đâu có nữ nhơn! Thế thì duyên tu hành thuận tiện đầy đủ, không đâu hơn cõi Tây Phương, tiếc cho kẻ nông cạn kém tin, trở lại nghi ngờ hủy báng! Xin đưa ra đây ít điều để luận:
+ Ở cõi này, cảnh nhà thế ồn ào dễ khiến cho người chán, nên có nhiều kẻ mến cảnh chùa vắng lạnh, bỏ tục xuất gia. Nhưng nỗi khổ ở Ta Bà đâu phải chỉ có sự phiền phức của nhà đời, sự vui ở Cực Lạc mầu nhiệm không cùng, đâu phải chỉ như cảnh chùa thanh tịnh? Biết xuất gia là tốt mà không chịu cầu vãng sanh đó là điều lầm thứ nhất.
+ Ở cõi này, người tu hành khó nhọc, trải muôn dặm đường xa đi tìm bậc trí thức để phát minh việc lớn giải quyết sự sống chết luân hồi? Cõi Cực Lạc, đức Di Đà Thế Tôn nghiệp sắc tâm đều thắng, nguyện lực rộng sâu, một khi diễn tiếng viên âm, người nghe đều tỏ ngộ. Nguyện tham phỏng bậc trí thức mà không muốn thấy Phật là điều lầm thứ hai. Người tu ở cõi này thấy chùa lớn chúng đông đều ưa thích muốn ở, những chỗ chúng ít lại không muốn nương theo. Cõi Cực Lạc, hàng Nhất Sanh Bổ Xứ rất nhiều, các bậc người thượng thiện đều hội lại một chỗ. Muốn gần gũi chùa lớn mà không mến hải chúng thanh tịnh ở Tây Phương, là điều lầm thứ ba.
+ Ở cõi này, kẻ thượng thọ không quá trăm tuổi, tính lại lúc thơ ấu dại khờ, khi già cả suy yếu, lúc đau bịnh, khi ngủ nghỉ, bao nhiêu đó đã chiếm hơn phân nửa đời người; phương chi bậc Bồ Tát còn mê khi cách ấm, hàng Thanh Văn còn muội lúc xuất thai, tấc bóng ngàn vàng mười phân hao hết chín, mà tu hành chưa lên ngôi bất thối, thật đáng kinh lòng! Người ở Tây Phương thọ mạng không lường, một khi gởi chất nơi hoa sen thì không còn sự khổ sanh già bịnh chết, tu hành tiếp tục mãi cho đến khi chứng quả Bồ Ðề. Cam chịu luân chuyển ở cảnh Ta Bà ngắn khổ, mà quên miền Cực Lạc trường xuân, là điều lầm thứ tư.
+ Ở cõi này, như bậc đã chứng quả vô sanh, sống trong dục trần mà không mê nhiễm mới có thể vận lòng từ bi, trí phương tiện, cứu độ muôn loài. Còn kẻ trí huệ cạn, mới tương ưng với đôi chút pháp lành, bèn cho mình là bậc cao siêu tự tại, chê bai Tịnh Độ, tham luyến Ta Bà, không biết tự lượng, mong sánh với bậc đại quyền Bồ Tát, để rồi ngày kia phải bị luân hồi đọa lạc, đó là điều lầm thứ năm. Trong kinh nói: “Phải nên phát nguyện cầu sanh về cõi kia”, mà có kẻ chẳng tin lời Phật, khinh rẻ sự cầu sanh, há chẳng phải là mê ư? Than ôi! Người không biết lo xa, ắt có sự buồn gần, một khi mất thân này, muốn kiếp đành ôm hận, chừng ấy hồi sao cho kịp!
Hữu Nghiêm Đại Sư
*Đại sư nói: Đức Thế Tôn thương xót, dùng nhiều phương tiện để tiếp độ loài hữu tình. Cho nên người tu hành được vãng sanh cũng có nhiều cách: hoặc nhờ thiền định, tán thiện hoặc do Phật lực, Pháp lực, hoặc có người chỉ tu phước rồi mượn nguyện lực để hồi hướng, hoặc có kẻ lúc lâm chung quá sợ hãi niệm Phật mà được cứu độ. Những loại như thế số có đến ngàn muôn, chỉ nương nhờ một phương pháp, tất được vãng sanh. Về định thiện như kẻ tu môn diệu quán, tam muội Thủ Lăng Nghiêm. Về Tán Thiện như trong kinh Vô Lượng Thọ nói: “Dùng mười niệm, niệm Phật cũng được vãng sanh”. Về Phật Lực là do đại bi nguyện lực của đức A Di Đà nhiếp thọ, những chúng sanh niệm Phật nương nhờ đây mà được vãng sanh. Ví như kẻ dung phu nương theo vua Chuyển Luân, trong một ngày đêm có thể đi khắp bốn châu thiên hạ, đó không phải là do sức mình, chính nhờ năng lực của Luân Vương. Về pháp lực là như Phật bảo Liên Hoa Minh Vương Bồ Tát dùng thần chú quán đảnh gia trì trong đất cát rải nơi thây hoặc mộ phần người chết, khiến cho vong giả tuy bị đọa nơi Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, nhưng nương nhờ chân ngôn này được về Cực Lạc. Về sự tu phước hồi hướng như người giữ tâm từ bi không giết hại, thọ trì các giới, đọc tụng Mật chú, các kinh điển Ðại Thừa, cùng tu những phước lành, hồi hướng trang nghiêm thành ra nhân Tịnh Độ. Về việc khi lâm chung sợ hãi cầu cứu, là người lúc sắp chết, tướng hỏa xa hiện, xưng hiệu Phật, lửa dữ hóa ra thành gió mát, như trường hợp của Hùng Tuấn, Trương Thiện Hòa được vãng sanh vậy.
Thiên Như Đại Sư
* Có kẻ hỏi: Phương tu viên quán, pháp niệm duy tâm, dường như là hành môn của bậc thượng căn. Còn mười nguyện trong kinh Hoa Nghiêm, mười tâm trong kinh Bảo Tích, cũng là công dụng của bậc đại trí. Trên đường tu, nếu căn cơ cùng giáo pháp không hợp, e cho công hạnh khó thành. Nay tôi xét lại căn tánh mình, chỉ nên chuyên trì danh hiệu, thêm lễ Phật sám hối mà thôi, chẳng hay tôn ý thế nào?
Đại sư đáp: Tốt lắm! Người biết tự lượng đó! Lời ngươi nói hợp với thuyết Chuyên Tu Vô Gián của ngài Thiện Đạo. Vô Gián Tu là thân chuyên lễ Phật A Di Đà không lễ tạp, miệng chuyên xưng hiệu A Di Đà không xưng tạp, ý chuyên tưởng Phật A Di Đà không tưởng tạp.
* Niệm Phật, hoặc duyên tưởng 32 tướng, buộc tâm cho định khi mắt mở nhắm đều thấy Phật. Hoặc có kẻ chuyên xưng danh hiệu, giữ không tán loạn, trong hiện đời cũng được thấy. Trong hai điều trên đây, muốn được thấy Phật, phần nhiều pháp xưng danh hiệu là hơn. Pháp xưng danh, cần phải buộc lòng đừng cho tán loạn, mỗi niệm nối nhau duyên theo hiệu Phật, từng câu, từng chữ rõ ràng. Lại xưng danh hiệu Phật, chớ quản nhiều ít, một tâm một ý, niệm niệm nối nhau. Như thế mới diệt được tội nặng sanh tử trong tám mươi ức kiếp, nếu chẳng vậy, rất khó tiêu tội.
* Có kẻ hỏi: Một đời tàn ác, khi lâm chung dùng mười niệm cũng được vãng sanh. Vậy thì bây giờ tôi buông theo duyên đời đợi lúc sắp chết sẽ niệm Phật, có được chăng?
* Đại sư đáp: Khổ thay! Lời này đã hại chính mình, lại hại cho hàng tăng, tục, nam, nữ trong đời nữa! Phải biết kẻ phàm phu nghịch ác khi lâm chung niệm Phật được là do kiếp trước có căn lành, khiến cho gặp bậc thiện tri thức chỉ bảo mà được sự may mắn trong muôn một ấy. Luận Quần Nghi nói:
“Có mười hạng khi lâm chung không niệm Phật được:
1) Khó gặp bạn lành, nên không người khuyên niệm.
2) Bịnh khổ buộc thân, không rỗi rảnh để niệm Phật.
3) Trúng phong cứng họng, nói không ra tiếng.
4) Cuồng loạn mất sự sáng suốt.
5)Thình lình gặp tai nạn nước lửa
6) Thoạt bị hùm sói ăn thịt.
7) Bị bạn ác phá hoại lòng tin.
8) Hôn mê mà chết.
9)Thoạt chết giữa quân trận.
10) Từ nơi chỗ cao té xuống”.
Những việc trên đây ở trong đời thường có, đó là do túc nghiệp hoặc hiện nghiệp chiêu cảm, bỗng nhiên xảy ra, không kịp trốn tránh. Khi gặp một việc không may, bất cập, trong mười việc trên đây, thì làm sao niệm Phật được? Giả sử không bị những ác duyên như trên, thọ bịnh sơ sài mà qua đời, e cho lâm chung, khi thân tứ đại sắp ly tán, bị sự đau đớn dường như dao cắt, như con cua bị rớt vào nước sôi trong lúc thống khổ bức bách, bối rối kinh hoàng ấy, đâu có rỗi rảnh để niệm Phật? Giả sử không bị bịnh mạng chung, lại e duyên đời chưa dứt, niệm tục khó quên, tham sống sợ chết, tấm lòng rối loạn không yên. Thêm vào đó, việc nhà chưa phân minh, chuyện sau chưa sắp đặt, vợ con khóc lóc kêu gọi, trăm mối lo sợ, thương sầu, như thế làm sao niệm Phật được? Giả sử lúc chưa chết, thì lại bịnh khổ, đau đớn rên la, tìm thuốc tìm thầy, lo việc khẩn cầu cúng tế, tạp niệm rối ren, vị tất đã niệm Phật được? Giả sử trước khi chưa bịnh, thì lại bi sự già khổ, suy lờ, lụm khụm, buồn rầu, ảo não, e cho lo những việc cái thân già yếu chưa xong, đâu rỗi để niệm Phật. Giả sử trước khi chưa già, còn đang trẻ trung khỏe mạnh, hoặc như tâm cao vọng chưa dứt, việc thế tục còn buộc ràng, rong ruổi đông tây, suy thế này tính thế khác, nghiệp thức mơ màng, cũng không niệm Phật được! Giả sử kẻ được an nhàn thong thả, có chí tu hành, nhưng nếu không nhìn thấu cảnh đời là giả mộng, thân tuy được yên, tâm còn bấn loạn, không thể buông bỏ muôn duyên, khi gặp việc đến, không thể tự chủ, theo cảnh mà điên đảo, cũng không niệm Phật được! Ngươi thử xét lại, đừng nói già bịnh, trong lúc còn trẻ trung nhàn nhã, nếu có một việc đeo đẳng nơi lòng, còn không niệm Phật được thay, huống chi là đợi đến lâm chung? Vậy muốn cho khi sắp chết được chánh niệm vãng sanh, thì ngay bây giờ phải xét rõ việc đời là huyễn mộng, tùy duyên an phận qua ngày, không còn tham luyến, được rỗi rảnh lúc nào thì niệm Phật lúc ấy, đừng hẹn chờ lần lựa, hoặc để hư phí thời giờ. Như thế thì tư lương ta đã dự bị xong, lúc ra đi mới không điều chi chướng ngại.
Diệu Hiệp Đại Sư
*Đại sư dạy: Hành giả phát tâm niệm Phật, trước khi vào đạo tràng phải xét nghĩ ta với chúng sanh thường ở trong biển khổ sanh tử, nếu không độ cho tất cả đều được thoát ly, sao gọi là chánh hạnh? Nhân đó, xem người oán kẻ thân đều bình đẳng, khởi lòng đại bi, như thế quyết không bị tệ ma, ác đảng làm cho thối chuyển. Sau khi đã lập đại tâm, nên nghiên cứu những chánh hạnh niệm Phật của người xưa, lập đạo tràng đúng pháp, khiến cho hết sức trang nghiêm thanh tịnh. Kế đó, phân ngày đêm sáu thời, đem tâm chí thành gieo mình quy mạng ngôi Tam bảo, tỏ bày hết tội lỗi, cầu xin sám hối. Lại quỳ trước Phật, tay cầm hương hoa cúng dường, vận tâm quán tưởng khắp pháp giới, xét mình cùng tất cả chúng sanh từ trước đến nay ở trong vòng mê khổ, rơi lệ cảm thương, cầu Phật gia bị, nguyện độ muôn loài. Như thế, dùng hết sức mình kham khổ tu hành, nếu nghiệp chướng sâu, chưa được cảm cách, phải lấy cái chết làm kỳ hạn, không được giây phút nào nghĩ đến sự vui ngũ dục của thế gian. Như kẻ căn cơ non kém, không làm được thắng hạnh trên đây thì cũng ở trong tịnh thất, giữ cho thân tâm nghiêm sạch, tùy ý tu hành. Hoặc định thời lễ Phật sám hối, nguyện tinh tấn không thối chuyển, hoặc chuyên niệm hoặc kiêm trì chú, tụng kinh. Nếu được thấy tướng hảo, thì biết mình được diệt tội, có duyên lành.
* Hỏi: Dụng tâm thế nào mà được không tán loạn?
Đáp: Nên vận dụng thân miệng mà niệm, không kể đến tánh hay định, chỉ làm sao cho câu Phật không hở dứt, tự sẽ được nhất tâm, hoặc cũng có thể gọi chính đó là “nhất tâm”. Nhưng phải niệm mãi không thôi, trạng như mẹ lạc con thơ, rồng mất trái châu bổn mạng, thì không còn lo chi tán loạn, không cầu nhất tâm mà tự được nhất tâm. Chẳng nên cưỡng ép cho tâm quy nhất, vì dù cưỡng ép cũng không thể được, thật ra chỉ do người tu siêng săng hay biếng trễ mà thôi! Nghĩ thương cho người đời nay, phần nhiều tu hành mà không hiệu nghiệm, ấy cũng bởi lòng tin cạn cợt, nhân hạnh không chơn. Lắm kẻ chưa từng lập hạnh, đã muốn cho người biết trước, trong thì tự phụ, ngoài lại khoe khoang, tỏ ý có chỗ sở đắc để được moi người cung kính. Thậm chí có kẻ nói dối là mình trông thấy tịnh cảnh, hoặc thấy được cảnh giới nhỏ, hay những tướng tốt trong giấc chiêm bao. Thật ra chính họ cũng không phân biệt cảnh đó là chơn hay vọng, nhưng cũng cứ khoe khoang bừa ra. Những kẻ tâm hạnh kém ấy, tất là bị ma làm mê hoặc, nguyện hạnh lần lần lui sụt, trôi theo dòng sanh tử luân hồi. Như thế, há chẳng nên dè dặt ư?
* Người tu hành, đối với một tội dù nhỏ, cũng phải đem lòng kiêng sợ, sự hiểu nên theo hàng Ðại thừa, việc làm phải bắt chước kẻ sơ học.
* Người tu hành nếu bị túc nghiệp ngăn che, khiến cho nghiệp hạnh lui kém, phải nhất tâm trì tụng chú Vãng Sanh. Chú này gọi là môn đà la ni nhổ trừ tất cả cội gốc nghiệp chướng, tụng một biến, tiêu diệt hết tội ngũ nghịch thập ác trong thân, tụng mười muôn biến, được không quên mất Bồ Ðề tâm, tụng hai mươi muôn biến, liền cảm sanh mầm mộng Bồ Ðề, tụng ba mươi muôn biến, Phật A Di Đà thường trụ trên đảnh, quyết định sanh về Tịnh Độ.
Không Cốc Đại Sư
* Đại Sư nói: Một môn Niệm Phật là đường lối tu hành thẳng tắt. Hành giả phải xét rõ thân này giả dối, việc thế như chiêm bao, duy cõi Tịnh là đáng nương về, câu niệm Phật là có thể nhờ cậy. Rồi tùy phận mà niệm hoặc mau hoặc chậm, hoặc tiếng thấp, tiếng cao, đều không câu ngại. Chỉ nên để cho thân tâm nhàn đạm, thầm nhớ chẳng quên, khi huỡn, gấp, động, tịnh, vẫn một niệm không khác. Niệm như thế, ngày kia xúc cảnh chạm duyên, bỗng nhiên tỉnh ngộ. Chừng ấy mới biết cõi Tịch Quang Tịnh Độ không rời nơi đây, Phật A Di Đà chẳng ngoài tâm mình. Nếu lập tâm muốn cầu tỏ ngộ thì trở lại thành chướng ngại, nên chỉ lấy lòng tin làm căn bản, chẳng tùy theo tạp niệm mà thôi. Hành trì như thế, dù không tỏ ngộ, khi chết cũng được sanh về Tây Phương, theo giai cấp mà tiến tu, không còn lo thối chuyển.
* Kinh Đại Tập nói: “Niệm Phật lớn tiếng có mười công đức: 1) Đánh tan hôn trầm mê ngủ. 2) Thiên ma kinh sợ. 3) Tiếng vang khắp mười phương. 4) Ba đường ác được dứt khổ. 5) Tiếng bên ngoài không xâm nhập. 6) Niệm tâm không tán loạn. 7) Mạnh mẽ tinh tấn. 8) Chư Phật vui mừng. 9) Tam muội hiện tiền. 10) Vãng sanh về Tịnh Độ”.
Tông Bổn Đại Sư
* Đại Sư nói: Niệm Phật không luận là hạng người nào, nếu nghĩ mình thuở bình sanh có nhiều điều ác mà tự bỏ không chịu tu hành là sai lầm! Niệm Phật không quản là thời gian nào, nếu cho rằng mình đã già sắp chết mà không chịu tu hành, là sai lầm! Niệm Phật bất câu là phương pháp nào, nếu lập ra một quy củ nhất định, bắt mọi người đều tuân theo, khiến cho sự tu hành của họ bị chướng ngại, là sai lầm. Nên biết pháp môn Tịnh Độ chẳng lựa trí, ngu, sang, hèn, nghèo, giàu, chẳng phân nam, nữ, già, trẻ, tăng, tục, chẳng luận kẻ huân tập đã lâu hay mới tu hành, đều có thể niệm Phật. Hoặc niệm lớn, niệm nhỏ, niệm ra tiếng, niệm thầm, đảnh lễ mà niệm, tham cứu mà niệm, nhiếp tâm mà niệm, quán tưởng mà niệm, lần chuỗi mà niệm, giữ hiệu Phật liên tục không dứt như dòng nước chảy mà niệm, cho đến đi niệm, đứng niệm, ngồi niệm, nằm niệm, ngàn muôn niệm đều về một niệm. Niệm theo cách nào cũng được, chỉ cần yếu là giữ cho lâu bền đừng lui sụt, và phát lòng tin quyết định, cầu sanh Tây Phương. Nếu quả hành trì được như thế, cần chi tìm bậc trí thức hỏi đường?
Cho nên tu Tịnh Độ có nhiều phương pháp, kết quả ra sao là do chỗ xu hướng của tâm nguyện. Có thể gọi: “Đi thuyền cốt bởi người cầm lái. Hiểu được đồng về cõi Tịnh Liên!”
Tử Bá Đại Sư
* Đại Sư nói: Người niệm Phật, tâm chân thiết cùng không, có thể xét nghiệm trong lúc vui mừng hay phiền não, căn cứ nơi đây, tâm chơn giả hiện ra rõ ràng, có thể suy ra mà biết được. Đại để như người chân tâm niệm Phật, dù ở cảnh phiền não hay vui mừng, cũng giữ câu niệm Phật không gián đoạn, cho nên những cảnh ấy không làm lay động họ được. Hai điều trên đã không làm lay động, thì đối với cảnh sống chết, họ vẫn tự nhiên không sợ hãi. Người niệm Phật đời nay, hơi có chút chi mừng giận, thì gác bỏ câu niệm Phật ra sau. Như thế làm sao mà niệm Phật được linh nghiệm? Nên y theo lời ta mà niệm Phật, dù ở cảnh thương ghét cũng đừng quên một câu A Di Đà. Nếu giữ đúng như thế mà lúc hiện tiền không được sự công dụng tự tại, khi lâm chung không được vãng sanh Tây Phương, thì cuống lưỡi của ta phải chịu tan nát. Như làm không đúng lời ta, thì niệm Phật không linh nghiệm lỗi ở nơi ngươi, với ta không can hệ gì!
* Lại hỏi kẻ học giả là Hải Châu rằng: “Ngươi niệm Phật có gián đoạn chăng?” Thưa: “Bình thường tôi đều niệm được, duy có lúc nhắm mắt ngủ là quên“. Đại sư tác sắc, quở: “Lúc nhắm mắt ngủ liền quên niệm Phật như thế là một muôn năm cũng không thành hiệu! Từ đây về sau, trong lúc ngủ nghỉ chiêm bao, ngươi phải giữ cho câu niệm Phật không gián đoạn, mới có phần thoát khổ. Nếu trong giấc ngủ thoạt có quên niệm, khi thức dậy phải thống khóc, đến trước bàn Phật cúi đầu sám hối, rồi quỳ niệm Phật một ngàn hay một muôn câu, dùng hết sức mình thì thôi. Làm như thế vài ba phen, dù trong lúc ngủ mê, câu niệm Phật vẫn hiện ra không gián đoạn!”
Triệt Lưu Đại Sư
* Đại Sư nói: Phép trì danh quý ở một lòng không loạn, không xen tạp, chẳng phải niệm mau niệm nhiều là hơn. Chỉ nên trì niệm nhặt niệm nối nhau, không mau không chậm, khiến cho hiệu Phật rành rẽ rõ ràng nơi tâm. Khi ăn cơm mặc áo, đi đứng nằm ngồi, giữ một câu hồng danh nối liền chẳng dứt cũng như hơi thở, không tán loạn, cũng không hôn trầm. Trì danh như thế có thể gọi là một lòng tinh tấn trên phận sự vậy.
* Người tu tịnh nghiệp đời nay, trọn ngày niệm Phật, sám hối, phát nguyện, mà cõi Tây Phương vẫn xa, sự vãng sanh không đảm bảo ra sao? Ấy cũng bởi bề ngoài tuy lễ niệm, phát nguyện, mà trong tâm dây tình còn buộc chặt, gốc ái còn bám sâu đó! Vậy phải xem sự tình ái cõi Ta Bà là vô thường, giả dối, đồng như nhai sáp, dù ở trong cảnh huỡn, gấp, động, tịnh, vui, khổ, lo, mừng, cũng giữ chắc một câu hiệu Phật như dựa vào núi Tu Di, tất cả cảnh duyên đều không thể làm lay động. Nếu lúc nào tự cảm thấy mỏi mệt, biếng trễ, nghiệp hoặc hiện lên, phải một lòng phấn khởi mà niệm, như thanh trường kiếm chống trời, khiến cho quân ma phiền não trốn mất không còn, như lửa đỏ ở lò hồng đốt tan tình thức từ vô thỉ. Người nào giữ được như thế, tuy hiện đang ở cõi ngũ trược mà toàn thân đã ngồi nơi thế giới hoa sen, đợi chi Phật Di Đà đưa tay, đức Quán Âm dìu dắt, mới tin là mình vãng sanh ư?
Lời phụ: Trong Tịnh Độ thánh hiền lục, đề ngài Tỉnh Am là tổ thứ mười, nhưng sau Ấn Quang Ðại Sư cùng các nhà tu Tịnh Độ thấy ngài Triệt Lưu thừa giới cao siêu, sự hoằng hóa rất thạnh, có công đức lớn với Liên Tông, mới tôn ngài lên làm tổ thứ mười, đổi ngài Tịnh Am thành Tổ thứ 11. Nhân tiện xin biện minh ra đây để giải thích mối nghi ngờ – Liên Du (bút danh của HT. Thích Thiền Tâm)
Đạo Phái Đại Sư
* Đại Sư dạy: Khi niệm Phật, nơi tâm phải thường không rời hai chữ “tin, nhớ”, nơi miệng không rời hai chữ “xưng, kỉnh”. Bởi muốn về Tịnh Độ cần phải có lòng tin, ngàn người tin thì ngàn người sanh, muôn người tin thì muôn người về. Nếu tâm thường tin nhớ Phật, miệng thường xưng niệm Phật một cách thiết tha, cung kính, Phật tất cứu độ. Ấy mới gọi là tin sâu!
* Khi niệm Phật, cần phải mỗi chữ rõ ràng, mỗi câu nối nhau, bởi không rõ ràng tức là hôn trầm, không nối nhau tức là tán loạn. Hành trì như thế, một câu niệm Phật thường rành rõi nơi tâm, lâu ngày tự nhiên thành tựu pháp Niệm Phật Tam Muội.
Ngộ Khai Đại Sư
Đại Sư nói: Mở mắt niệm Phật, tâm dễ tán động, nên nhắm mắt mà niệm. Trước khi niệm phải ngồi yên giây phút, buông bỏ tất cả, để lòng rỗng không, rồi từ từ tuyên hiệu Phật, vừa niệm vừa nghe, vừa nghe vừa niệm, mật niệm nối nhau, hành trì lâu tâm phát ra, mỗi câu tha thiết nhớ mong Tịnh Độ. Có phương pháp hệ niệm là khi không niệm Phật, đem tâm niệm mình buộc để trên thân đức A Di Đà Phật. Làm như thế, tâm được thanh tịnh, không lay động, chính là chỗ dụng công đắc lực.
Hỏi: Tạp niệm từ đâu sanh?
Đáp: Tâm ta chỉ có một niệm, niệm Phật tức là nó mà tạp niệm cũng là nó. Chỉ nhân ta niệm Phật chưa tinh chuyên, nên niệm trần còn vơ vẩn thế thôi.
Hỏi: Làm sao trừ được tạp niệm kia?
Đáp: Không cần phải trừ, chỉ đem tâm niệm hoàn toàn để trên hiệu Phật, tạp niệm liền mất.
Hỏi: Nhưng rủi tinh lực yếu kém, suy mỏi, không thể khiến cho nó tiêu mất, mới làm sao?
Đáp: Người đạo đức chưa thuần, nên tán loạn nhiều, phải cố thâu nhiếp sáu căn lần lần sẽ được thanh tịnh. Nếu chưa làm được như thế thì mở mắt nhìn chăm chú tượng Phật mà niệm, tạp niệm sẽ tiêu.
Hỏi: Cách ấy cũng hay, nhưng sợ e lần hồi mỏi mệt, tạp niệm lại nổi lên làm sao?
Đáp: Trong tâm mờ tối, nên bị ngoại cảnh kéo lôi, niệm Phật không đắc lực, thậm chí vọng niệm dày đặc không tan. Nhưng đừng vội vàng nóng nảy, phải lóng định tâm tư, niệm chậm rãi, hiệu Phật ra từ nơi tâm, phát thành tiếng nơi miệng, rồi lại vào nơi tai; tâm nghĩ, miệng niệm, tai nghe, cứ tuần hoàn như thế, tạp niệm sẽ dứt.
Hỏi: Phương pháp này rất hay, chỉ e người căn tánh quá tối, không làm được lại phải thế nào?
Đáp: Nên đem sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật mà niệm. Khi niệm nghi nhớ rành rẽ tiếng thứ nhất là Nam, tiếng thứ nhì là Mô, như thế cứ đủ sáu chữ, liên hoàn không dứt, thì vọng niệm không còn chỗ xuất sanh.
Diệu Không Đại Sư
Đại Sư nói: Phép quán không dễ thành tựu, giới luật cũng chưa dễ giữ tròn, tu phước chẳng phải hôm sớm có thể thành công, sự diệu ngộ chẳng phải kẻ độn căn có thể làm được. Còn đại nguyện bền chắc lại càng ít có người! Nếu không do nơi chỗ chân thật trì danh tìm nẻo thoát ly, tất phải chìm trong biển khổ, hằng chịu luân hồi, ngàn Phật dù từ bi cũng khó cứu độ! Huống chi, phép trì danh nhiếp cả ba căn, không có phương tiện nào hay hơn đây nữa!
Người niệm Phật thì không được nói chuyện tạp hoặc nghĩ ngợi bông lông. Nếu lỡ có phạm, phải suy xét: ta là người niệm Phật, không nên như thế, rồi niệm Phật vài tiếng để tự cảnh tỉnh mà đánh tan điều ấy.
Phép “tùy thuận trì danh” là khi hôn trầm thì đi kinh hành, lúc tán loạn thì trở lại ngồi, hoặc đứng, hoặc nằm, đều tùy tiện mà trì niệm, làm sao cho câu niệm Phật đừng xa lìa. Đây là yếu thuật để hàng phục tâm ma.
Khi gặp cảnh thuận, nghịch, khổ, vui, thị, phi, đắc, thất, dơ, sạch, tất cả trường hợp, cần phải giữ một câu niệm Phật cho chắc. Nếu không như thế, tất bị cảnh duyên, hiệu Phật liền gián đoạn, há chẳng phải đáng tiếc lắm ư?
* Khi đối trước tượng Phật, phải xem tượng ấy cũng như Phật thiệt, mắt nhìn tâm niệm, cung kính chí thành. Lúc không ở trước tượng cũng nên thành kính như lúc đối trước Phật tượng. Niệm Phật như thế rất dễ cảm thông, nghiệp ác cũng mau tiêu diệt.
Tất cả người khổ trong đời, vì thân tâm không được rỗi rảnh, nên khó tu hành. Nay ta có phần an nhàn, lại được nghe pháp môn Niệm Phật, vậy phải cố gắng nhiếp tâm, mới không uổng ngàn vàng tấc bóng! Nếu tu hành lôi thôi tất khó có kết quả, như thế là phụ rẫy bốn ân, luống qua ngày tháng, một mai vô thường chợt đến, lấy gì mà chống đối ư?
Người tu nếu vị quả khổ, tất đời trước hoặc đời nay đã gây nhân xấu. Cho nên chịu một phần khổ tức là trả một phần ác của mình. Vậy không nên oán trách trời người sao bất công, buồn thời vận sao điên đảo, mà chỉ hổ thẹn mình không sớm tỉnh ngộ tu hành thôi. Mỗi khi nghĩ đến điều ấy, vừa kinh sợ cho ác báo, vừa thương cảm cho phận mình, mỗi câu niệm Phật đều từ nơi gan tủy phát ra, như thế mới là chơn cảnh niệm Phật.
Trước cảnh ngang trái khổ đau mà không bi thương thì chẳng phải nhân tình, song nếu chỉ luống bi thương, há lại là người rõ thông Phật tánh? Cho nên đã bi thương thì phải tìm phương thoát khổ, nghĩ chước cứu độ mình và tất cả chúng sanh, như thế mới không đến nỗi vô ích. Nên biết sở dĩ Phật được gọi là đấng đại bi vì Ngài có đủ hùng lực, trí huệ, cứu chúng sanh đau khổ. Ta dùng bi tâm mà niệm Phật, cầu lòng bi của Phật cứu khổ cho ta, sự trì niệm như thế khẩn thiết biết dường bao!
Khi niệm Phật đã thuần thục, thì trong sáu trần chỉ có thinh trần, năng dụng của sáu căn đều gởi nơi nhĩ căn, không còn biết thân mình đang vi nhiễu, lưỡi mình đang uốn động, ý có phân biệt hay không, mũi thở ra hay vào, mắt mình nhắm hay mở. Khi ấy sự viên thông của đức Quán Âm, Thế Chí chính là một, căn tức là trần, trần tức là căn, căn trần tức là thức, mười tám giới dung hợp thành một giới. Khi làm xong một việc, vừa nói xong một lời, chưa khởi tâm niệm Phật, mà một câu hồng danh cuồn cuộn tuôn ra, đó là triệu chứng tam muội dễ thành tựu vậy.
Tu tịnh nghiệp, cảnh cô tịch chừng nào hay chừng nấy, tiếng niệm cao thấp mau chậm tùy nghi, làm sao cho hợp thành một phiến. Nên biết khi ấy thân tuy đơn chiếc mà tâm chẳng lẻ loi, vì tâm của chư Phật cùng đức Di Đà chưa từng tạm rời ta, ta khởi niệm thì Phật biết, mở miệng thì Phật nghe, lo gì sự cô tịch?
Bịnh là cái bước đến sự chết, chết là cửa ải đưa đến cảnh tịnh uế thánh phàm. Trong khi bịnh, phải tưởng là mình sắp chết, chuyên niệm hiệu Phật, quyết đợi lúc mạng chung, như thế sẽ có quang minh tiếp dẫn mà toại bổn nguyện vãng sanh của mình. Nếu trong lúc ấy tạm đình câu niệm Phật, thì tâm luyến ái, buồn rầu, sợ hãi, tất cả tạp niệm đều hiện ra, như thế làm sao vượt qua nẻo sanh tử? Thế nên lúc bịnh nguy phải ghi nhớ bốn chữ A Di Đà Phật nơi tâm chớ quên, và những kẻ xung quanh cũng phải niệm bốn chữ ấy để thường thường nhắc nhở người bịnh. Nên biết trăm kiếp ngàn đời, siêu hay đọa, toàn do ở một niệm trong khi ấy. Tại sao thế? Vì sáu nẻo luân hồi đều do một niệm làm chủ. Nếu một niệm chuyên chú nơi Phật, thì hình tuy hoại mà thần không hoại, liền nương theo đó mà vãng sanh. Hỡi người tu tịnh nghiệp! Nên nhớ bốn chữ A Di Đà Phật nơi lòng đừng quên!