Học cách từ bỏ để sống an vui
Ta học cách từ bỏ bởi vốn dĩ ta hiểu được chân lý của Hiểu và Thương.
Đã có biết bao nhiêu lần, ta cười chua chát chấp nhận rồi thì cũng từ bỏ.
Nhưng rốt cuộc ta vẫn chỉ là kẻ nông nổi, dại khờ vụng về và ngốc nghếch.
Nếu như yêu thương cũng cần phải học, thì ta sẽ chẳng có thể nào tốt nghiệp bao giờ.
Bởi vì mãi mãi, mãi mãi và mãi mãi, ta chỉ là một kẻ ngu ngơ.
Ta học cách từ bỏ, bởi vốn dĩ ta hiểu được điều mình thực sự mong muốn là gì.
Ta muốn được bên người, ta muốn có được trái tim của người mãi mãi, mãi mãi không bao giờ thay đổi.
Nhưng điều ta thực sự mong muốn hơn cả là những hạnh phúc của người, những nụ cười của người.
Trong cuộc sống, nếu ta cứ bám chặt vào một điều gì đó thì ta đánh mất đi nhiều cơ hội để có nhiều thứ khác, trái lại nếu ta biết “từ bỏ” thì sẽ được thêm nhiều thứ, đó là thêm sự nhẹ nhàng trong tâm hồn, thêm niềm vui và sự an lạc trong cuộc sống. . . Vậy tai sao bạn không thử học cách từ bỏ đi một số thứ để sống an vui nhỉ?
Học cách từ bỏ để sống an vui
Từ bỏ quá khứ
Chúng ta thường xem quá khứ là nơi trú ngụ an toàn của tâm hồn với những kỉ niệm đẹp, những thời gian vui vẻ. Nhưng không, quá khứ là cái đã qua không nên luôn giữ nó bên mình, cái cần là những cái đang ở hiện tại. Chúng ta nên sống cho hiện tại và tương lai để cuộc sống luôn tốt đẹp, quá khứ đã qua hãy để nó ngủ yên coi như là một giấc mộng để cuộc sống thanh thản hơn
Từ bỏ tính hiếu thắng
Thắng – Thua chỉ là 1 khái niệm mang tính tương đối. Khi giữa ta & một người nào đó nảy sinh bất đồng, dù có thắng trong cuộc tranh cãi chăng nữa, thì về phương diện tình cảm … ta vẫn là người thất bại. Chắc chắn, sau những bất đồng đó, tình cảm sẽ ít nhiều bị sứt mẻ.
– Kẻ thù được sinh ra từ hiếu thắng
– Bạn bè trở mặt vì hiếu thắng
– Tình yêu mật ngọt trở thành vị đắng vì hiếu thắng
– Đồng nghiệp chơi xỏ nhau cũng vì hiếu thắng
Cách duy nhất khiến chúng ta gắn bó thân thiết & hòa nhã với nhau hơn … là nên từ bỏ tính hiếu thắng, biết mang lại cho người khác những điều mà chính ta cũng muốn được nhận về mình!
Từ bỏ suy nghĩ rằng bạn luôn đúng
Một số người trong chúng ta không thể chịu được việc là mình sai. Việc khăng khăng mình đúng, cố bảo vệ ý kiến của mình sẽ chỉ khiến chính bản thân bạn nhận nhiều phiền toái. Thật sự nó chẳng đáng như vậy, Đúng-Sai đôi khi nó chỉ khác nhau ở góc nhìn. Hãy vui vẻ chấp nhận sự thật rằng đôi khi bạn sai hoàn toàn và chẳng có gì là đúng. Như vậy, bạn mới có thể dễ dàng với bản thân mình và những người xung quanh.
Từ bỏ việc phàn nàn bản thân và người khác
Hãy từ bỏ việc phàn nàn về tất cả mọi thứ, tất cả mọi việc, tất cả mọi người xung quanh bạn và chính bản thân bạn. Vì cuộc sống giống như chiếc đồng hồ, từng phút từng giây trôi qua không đơn thuần là cuộc sống ta ngắn lại, mà còn để lại trong ta những trải nghiệm đầy thú vị. Chúng ta nên tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất vì khi mọi thứ đã qua sẽ không bao giờ lấy lại được, do đó chúng ta nên yêu bản thân mình và những người xung quanh, không nên tự dày vò và trách móc lẫn nhau. Chẳng ai có thể làm bạn buồn, làm bạn chán nản hay mệt mỏi nếu bạn không cho phép nó ảnh hưởng đến mình. Không phải là hoàn cảnh ảnh hưởng tới bạn mà chính là cách bạn nhìn nhận nó. Nếu bạn nhìn nhận mọi việc theo hướng cáu gắt, phàn nàn thì chắc chắn là không thể hạnh phúc được rồi.
Từ bỏ đổ lỗi cho người khác
Thói quen đổ lỗi thực chất là thói quen vô cùng xấu, sống mà chỉ biết đổ lỗi cho người khác thì suốt cuộc đời chúng ta cũng không bao giờ nhận ra được sai lầm của bản thân mình, biết lỗi sữa lổi là tốt.
Mỗi người chúng ta cần phải đối diện với sự thật không nên vì trốn tránh trách nhiệm mà luôn đổ lỗi cho những người xung quanh.
Ông bà ta thường nói ” đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại ” Hãy mạnh dạn nhận lỗi một khi sai lầm đó do mình gây ra.
Từ bỏ những ước muốn ngoài tầm tay
Điểm đáng quý nhất của con người là biết lượng sức mình, khó nhất là thật sự hiểu biết, chiến thắng và điều khiển bản thân mình. Tự cho là biết lượng sức mình khác với thật sự biết lượng sức mình. Người bình thường có nhiều người mắc bệnh tự cho là biết lượng sức mình; chỉ có rất ít người sáng suốt mới là những người thật sự hiểu biết bản thân. Cuộc đời như cái cân, đánh giá bản thân quá thấp thì dễ tự ti, đánh giá bản thân quá cao thì lại dễ kiêu ngạo, chỉ có đánh giá chính xác như cân, hiệu chuẩn cái cân thì mới có thể thực sự cầu thị, cảm nhận bản thân, thật sự hiểu biết bản thân một cách chính xác và hoàn thiện bản thân.
Chỉ nên ước muốn trong giới hạn mình có thể thực hiện được, đừng nên quá hy vọng vào một điều viễn vong xa tầm với, vì như vậy một khi không thực hiện được ước muốn chúng ta sẽ đánh mất những cơ hội tốt, cảm thấy hụt hẫng, xoay qua tự trách và tự hành hạ bản thân mình.