Chùa Ba Đồn ở Thừa Thiên Huế
Huế có thể nói là quê hương của Lăng Tẩm – Chùa – Đền – Điện – Miếu. Du khách đến Huế ai mà không nghe danh lăng Tự Đức, chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế, đền Nam Giao, điện Ngọc Trản (Hòn Chén), miếu Âm Hồn, v.v..
Tuy chưa thăm nhưng nghe tên không mấy lạ, nhưng lần đầu nghe tên chùa Ba Đồn, tôi cứ ngớ ra. Nhiều năm trước, tôi có đến một vùng gọi là Ba Đồn để tìm một cây đa. Ba Đồn ở đấy đúng nghĩa có 3 đồn bót của Pháp ngày trước. Tôi đã cố tìm một vài dấu tích của địa danh này, nhưng tất cả đã bị con người và mưa gió khỏa bằng, chỉ còn tên gọi trong dân gian. Chùa Ba Đồn, chẳng lẽ cũng là nơi có 3 đồn lính?
Nội dung
Lịch sử chùa Ba Đồn
Chùa Ba Đồn trước khi hình thành là khu đất làm nơi cải táng chôn cất các mộ phần không có thân chủ khi vua Gia Long xây dựng kinh thành năm 1803, xây đàn Nam Giao năm 1806 và quan quân, dân chúng tử nạn khi kinh đô thất thủ vào ngày 23 tháng 5 Ất Dậu (1885).
Năm 1803, để xây dựng Kinh thành Phú Xuân, vua Gia Long (1802-1819) cho giải tỏa tám ngôi làng ở bờ bắc sông Hương, nhà cửa và mồ mả phải di dời. Những mồ mả không có người thân được quy tập lên vùng đất này và Cồn mồ tám làng hiện thành. Năm Quý Hợi (1803), tại Cồn mồ tám làng, vua Gia Long cho dựng bia đá ghi ơn vua cho hợp táng những người không người thờ tự, khắc ngày 7 tháng 3 năm Quý Hợi (tức là ngày 27/4/1803).
Khi xây dựng đàn Nam Giao và lăng Gia Long, các mồ vô chủ lại được dời đến tiếp tạo thành Cồn mồ thứ hai nằm về phía nam của Cồn mồ tám làng. Theo L.Sogny, riêng bia Cồn mồ thứ hai có ghi cho biết, có khoảng 3.700 người an nghỉ ở đây; Cồn mồ thứ ba cho biết có 2250 người. Đến năm 1835, vua Minh Mạng cho lập một bàn thờ ở giữa trời (đàn) tại Cồn mồ tám làng để hằng năm nhà nước tổ chức cúng tế. Về sau cho dựng thêm hai đàn nữa để cúng tế những cô hồn của Cồn mồ thứ hai và thứ ba. Dân chúng gọi ba Cồn mồ có ba đàn hằng năm tế lễ đó là Cồn mồ Ba Đàn (Ba Đồn). Sau ngày thất thủ Kinh đô (23 tháng 5 Ất dậu, 1885) thực dân Pháp đánh chiếm Huế, dân chúng và binh lính trong thành bị giặc Pháp giết hại khi chạy theo vua ra các cửa Nhà Đồ, cửa Hữu làm chết hàng ngàn người. Lúc đầu người chết được dập hai bên lề đường và ngay trong các vườn nhà chung quanh. Về sau người Pháp bắt dân chúng phải cất bốc hết các mồ mả chôn trong và ngoài Kinh thành. Những mồ vô chủ lại được đưa lên Ba Đồn “hợp táng” hình thành thêm một số Cồn mồ nữa. Đó là nơi an nghỉ của quân lính, sĩ quan, thường dân hy sinh trong Kinh thành Huế ngày 23/5 Ất Dậu (5/7/1885), số lượng không rõ.
Từ thời Gia Long, một cái miếu nhỏ được dựng lên để hương khói quanh năm. Cuối thế kỷ XIX, cái miếu đổ nát, bà Nguyễn Thị Lựu (bà ngoại của vua Thành Thái) bỏ tiền trùng tu
Thờ cúng tại miếu Ba Đồn
Việc tế lễ cúng bái tại Ba Đồn được các vua từ Minh Mạng đến Duy Tân rất chú trọng. Ví dụ như thời Thành Thái rất thiếu thốn thế mà lễ vật hằng năm dùng cho việc tế ở Ba Đồn gồm có Ba con lợn, 15 đấu nếp, 45 chén gạo, 15 chén muối, và các thứ khác như hương đèn, rượu, cau trầu, đồ vàng bạc bằng giấy. Từ đời Thành Thái – Duy Tân mỗi năm chỉ tế lễ vào ngày Thất thủ Kinh đô 23.5 âm lịch. Đối với dân chúng, hằng năm các phổ tổ chức cúng tế vào ngày 16 tháng Giêng (Minh Niên) và ngày 16 tháng Chạp (Tất niên). Từ sau ngày có thêm ba đồn 4,5,6 ngoài việc thờ Thánh, miếu thờ thêm các cô hồn đã mất trong Biến cố 23 tháng 5 Ất dậu, các phổ lại tổ chức lễ cúng âm hồn nữa. Lễ cúng âm hồn kéo dài cả tuần lễ, bắt đầu từ ngày 23 tháng 5 cho đến cuối tháng 5. Các Phổ tự chọn ngày tế riêng hoặc hợp tế tùy theo năm.
So với các miếu tại Huế và trên tòan quốc, không nơi nào thờ cúng một số lượng cô hồn đông đảo như miếu Ba Đồn. Do đó dân chúng nghĩ miếu Ba Đồn là rất linh thiêng. Miếu Ba Đồn trở thành nơi bói xăm của bá tánh. Người đoán xăm là người có ăn học, phần lớn là các nhà sư bán thế. Do yêu cầu của thực tế, hằng ngày tại miếu có một nhà sư đoán xăm. Rồi, vì sự có mặt của các nhà sư, miếu Ba Đồn rước thêm Phật về thờ. Miếu Ba Đồn có Phật, có sư dần dần trở thành chùa Ba Đồn.
Tuy ra đời khá lâu, nhưng chùa Ba Đồn không có trụ trì và chưa bao giờ được Giáo hội Phật giáo công nhận. Vị sư bán thế đoán xăm nổi tiếng của chùa Ba Đồn là ông Mật Giải – em ruột Hòa thượng Bích Phong (1900-1968), trụ trì chùa Quy Thiện (ở gần chùa Ba Đồn). Ông Mật Giải qua đời năm năm 1986 sau 45 năm gắn bó với chùa Ba Đồn. Đồng thời với ông Mật Giải có ông Triệu Bân (?) chủ tiệm vàng Vĩnh Hòa ở Huế, có nhiều công đức trong việc xây dựng chùa Ba Đồn như còn thấy ngày nay.
Những chuyện lạ ở Ba Đồn
Ông Nguyễn Đăng Hà (70 tuổi) – Bậc cao niên sống gần chùa cho biết: Sau ngày giải phóng vài năm, ông Châu Sơn làm trưởng ban thủy lợi đã tập trung dân về chùa Ba Đồn để đi đào công trình thủy lợi Nam sông Hương.
Một số thanh niên trong đoàn đi làm công trình thủy lợi cắm trại ngủ trên bãi cỏ Đồn 1. Đến nửa đêm, họ nghe có tiếng rì rào như tiếng gió. Bỗng nhiên nhiều người trong đoàn thấy có bóng dáng giống người đến đuổi mình. Nhưng các thanh niên này nghĩ chắc nhìn nhầm nên vẫn không đi. Hôm sau đi đào thủy lợi, người thì gãy tay, người gãy chân, người bị sốt phải nghỉ việc. Đêm sau lại có “người” đến đuổi nữa. Các thanh niên này sợ quá bèn chạy vào chùa xin ông Đinh (người giữ chùa, đời thứ hai) cho vào chùa ngủ không thôi “ngủ trên Đồn người ta đến đuổi”. Lạ là các thanh niên vào chùa ngủ thì không có việc gì. Sáng mai, không thanh niên nào còn dám ở chùa Ba Đồn nữa. Họ nhổ trại đi tìm nơi khác cắm.
Chuyện ông Nguyễn Đăng Hà kể nhiều người ở địa phương đều biết. Họ truyền tai nhau nghe. Không ai nói với ai nhưng tất cả đều tin rằng các vong linh ở chùa Ba Đồn đã, đang và sẽ trừng phạt những ai dám khuấy động nơi an nghỉ của họ.
Còn những thanh niên cứng đầu trong xóm thấy bãi cỏ bằng phẳng bèn lên đá bóng, nhưng kết quả người thì bị gãy chân, người lại gãy tay phải đi Bệnh viện.
Theo một người dân kể lại: “Trước năm 1975, có một chiếc trực thăng thấy Cồn mồ rộng rãi nên đáp xuống. Nhưng sau đó lại bay lên không được phải nhờ xe cần cẩu đến cẩu về Phú Bài”.
Chuyện chùa Ba Đồn không chỉ dừng lại ở đó. Chùa còn mang trong mình những bí ẩn về loài cỏ mọc nơi đây. Chung quanh cỏ mọc um tùm cao ngang đầu gối người, nhưng các Đồn lại chỉ có độc nhất một loài cỏ mọc ở tầm thấp, mãi không thể cao lên được.
Một nhà sư bán thế làm Phật sự lâu năm ở vùng này giải thích rằng: Vì các vong linh họ ở dưới đất nên chỉ cho loại cỏ bậc thấp mọc lên để giữ đất chứ không cho bất cứ một loại cây gì có thể sống trên mộ cả.
Một điều kỳ bí nữa mà người dân địa phương nằm lòng kể nhau nghe. Cứ mỗi độ đêm đông, trời tối mịt, nhất là vào mùa mưa, sấm dông đầy trời, lại có những đốm lửa lập lòe xuất hiện lởn vởn trên các Đồn. Theo các vị cao niên trong vùng thì đó là oan hồn của những người chết trận, của những hài cốt không người chôn cất. Những “linh hồn” này không bị đầy xuống địa ngục nhưng cũng không siêu thoát nên thường vất vưởng trên bãi chiến trường và những nơi đồng không mông quạnh. Những “linh hồn” này rất sợ ánh sáng nên chỉ có thể xuất hiện vào ban đêm, đặc biệt là những đêm đông trời dông bão. Nếu ai vô tình chạy ngang gần đó, nhất định những “oan hồn” này sẽ đuổi theo sau không dứt. Nhiều người dân đã “hoảng hồn” vì gặp phải chuyện “ma ám” này. Đó cũng là lý do mà nhiều người không dám đến chùa Ba Đồn này mỗi dịp mưa rét.
Giải mã những bí ẩn ở chùa Ba Đồn
Một cán bộ phường ( trú tại KV 4, P.An Tây – TP Huế) cho biết: Người này cũng từng nghe các cụ lớn tuổi kể lại về những chuyện lạ như đã kể ở trên. Người này còn nói: “mặc dù không được cắt tỉa gì nhưng cỏ ở đây vẫn chỉ mọc lúp súp dưới mặt đất”.
Tuy nhiên về hiện tượng cỏ không mọc lên cao được ông cán bộ này giải thích: Ở vùng này có hàng ngàn xác người nằm dưới đất. Xác chết phân hủy sinh ra khí phốt pho. Khí này rất nóng khiến không loại cây gì có thể mọc lên được. Hơn nữa ngày xưa người ta vãi muối lên Cồn mồ để những xác chết ở đây ít bốc mùi lên. Muối nhiều đến nỗi chẳng còn một cây nào phát triển được, ngay cả cỏ cũng vậy. Vì thế cỏ không mọc lên cao được cũng là điều bình thường.
Cán bộ phường còn cho biết chuyện những “oan hồn” ẩn hiện trong đêm có thể giải thích theo khoa học đã chứng minh. Đó là hiện tượng “ ma trơi” hiện tượng này xuất hiện do chất lân (Phốt pho) từ trong xương cốt người nằm trong đất tỏa ra, gặp ô xy trong khí trời nên bốc cháy thành ngọn lửa màu xanh nhạt, lập lòe, khi ẩn khi hiện. Ban ngày cũng có nhưng bị ánh sáng mặt trời che khuất nên không nhìn thấy.
“Sau nhiều chuyện xảy ra nơi đây, chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa những tai nạn như gãy tay, gãy chân khi vui chơi làm việc ở chùa Ba Đồn hay những người yếu vía, sức khỏe kém nên đến đây sợ quá mà ngất, nhưng nhiều người đã đồn thổi lên” người này bày tỏ.
Những hiện tượng xảy ra ở chùa Ba Đồn cũng ít nhiều làm cho người dân trong vùng hoang mang, lo lắng. Nếu không có những hiểu biết đúng đắn về các hiện tượng trên có thể chúng ta sẽ tiếp tay cho mê tín dị đoan lên ngôi, làm lu mờ nhận thức của người dân.