Chết là luật tự nhiên
Trong thế giới tự nhiên con người luôn tồn tại một quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” . Sinh ra là sẽ chết đi, tất cả con người họ sống và họ đều biết rằng mọt ngày nào đó mình sẽ không còn trên cõi trần này nữa. Và trước khi chết đều trải qua giai đoạn hấp hối, đó là biểu hiện trước khi từ giã cõi đời. Lúc ấy, con người cần thức tỉnh, chấn chỉnh tinh thần, biết cuộc đời này là vô thường, duyên sinh, huyễn mộng, không thật, an trú trong hiện tại, vững tin Tam bảo và chuẩn bị trút hơi thở cuối cùng để ra đi nhẹ nhàng, thanh thản. Tại sao gọi chết là một quy luật tự nhiên?
Trong thế giới tự nhiên, cái gì có sanh ra đều có mất đi, có tồn tại phải có ngày kết thúc, điều đó không thể miễn cưỡng hoặc thay đổi được. Trong gia đình hoặc gia tộc của mỗi người, trẻ tuổi rồi đến lớn tuổi, ai ai cũng phải một lần rời bỏ cõi đời. Từ xưa đến nay, điều đó lặp đi lặp lại trùng trùng điệp điệp giữa sanh và tử.
Đức Phật nói: Từ vô thủy kiếp đến nay, con người đã từng sanh ra, đã từng sống, đã từng chết không phải chỉ có trong hiện kiếp này. Vì thế, khi có mặt trên thế gian, chết là kết thúc tự nhiên không thể tránh khỏi. Hãy nghĩ rằng chết đều dành cho mọi người, mọi sinh linh, mọi động vật, đó là luật công bằng.
Một kiếp người cũng lận đận ba chìm bảy nổi với bao thăng trầm buồn vui sướng khổ, đến lúc không đủ duyên để duy trì thì thân thể tan rã. Tất cả các pháp hễ có biểu hiện sinh khởi, có tồn tại thì đều có kết thúc. Nếu làm được nhiều việc tốt, nhiều điều thiện lành, sống lành mạnh, hiểu Phật pháp, nên xem đó là cương lĩnh cho việc tu hành, một đời nương về Tam bảo, sống tốt đời đẹp đạo, đem pháp Phật cải hóa thân tâm để cuối đời vui sướng mỉm cười ra đi nhẹ nhàng, vì biết rõ chết là kết thúc tạm thời để biểu hiện sang một cuộc sống mới, chứ không phải là chấm dứt vĩnh viễn.
Những hạt giống thiện ác chúng ta tạo trong một đời, còn lại và biểu hiện qua kiếp sau có sức mạnh đẩy chúng ta đến chỗ tương ứng để thọ quả. Sống chết đã lặp đi lặp lại qua nhiều kiếp luân hồi, thiếu duyên thì tạm thời ẩn tàng, chờ đủ duyên biểu hiện qua cuộc sống mới mà thức nghiệp chính là cầu nối giữa thân tiền ấm và thân hậu ấm. Khi chết, thức nghiệp bước vào giai đoạn thân trung ấm, không quá bốn mươi chín ngày thì thân trung ấm phải đi tái sanh, mà tái sanh tức là thân hậu ấm.
Như vậy, thân tiền ấm bước qua thân trung ấm đến thân hậu ấm có nghiệp làm cầu nối đeo đẳng từ kiếp này đến kiếp khác. Nghiệp không phải là linh hồn như nhiều tôn giáo khác nghĩ, nghiệp do con người tạo có sức mạnh đẩy họ đến chỗ tương ứng để thọ quả, có một hoàn cảnh chánh báo, y báo tương ứng với nghiệp đã tạo. Nếu sống đẹp, sống tốt thì nên vui mừng khi bước sang kiếp lai sinh. Bành Tổ trường thọ nhưng cũng đến hồi kết thúc, còn Nhan Hồi đệ tử của Đức Khổng Tử đoản thọ lúc chỉ mới ba mươi hai tuổi.
Chết là quy luật không ai có thể cưỡng lại hoặc dùng thần thông phép lạ để duy trì thêm. Hiểu được như vậy, cho dù bệnh hoạn ốm đau phải từ giã cõi đời thì cũng nên vui vẻ chấp nhận. Có một câu chuyện vào thời Đức Phật, người mẹ sanh ra duy nhất một đứa con trai, chẳng may bị rắn cắn chết, bà ấy đau khổ đến mức cuồng điên, ẵm xác con lang thang tìm gặp hết vị Đạo sư này đến vị Đạo sư nọ để cầu xin cứu sống con mình, hầu mong người con được cải tử hoàn sanh nhưng chẳng ai có thể giúp con bà sống lại được.
Cuối cùng, bà nghe nói Đức Thế Tôn Gotama có phương pháp giúp con người có thể đạt đến bất tử vô sanh. Với niềm hy vọng đó, bà tìm đến gặp Ngài. Khi đến trước mặt Ngài, bà nói: Bạch Đức Thế Tôn, con đã lặn lội khắp nơi, tìm đến các vị chân sư, triết gia, hiền triết, các vị giáo chủ để xin họ cứu giúp con trai của con được cải tử hoàn sanh nhưng chẳng ai giúp được con cả. Đức Thế Tôn liền bảo:
– Bà hãy đến gõ cửa từng nhà nơi xóm làng bà ở, xin mỗi nhà vài hạt cải, nơi nhà nào từ trước đến giờ chưa có người chết thì hãy mang về đây, ta sẽ làm cho con trai bà sống lại.
Nghe nói thế, bà mẹ quá đỗi vui mừng liền ra đi ngay. Đến nhà những người dân trong làng, nhưng khi gõ cửa để hỏi nhà nào chưa có người chết thì cho bà vài hạt cải, lập tức bà nhận được cái lắc đầu từ chối vì nhà nào cũng đều đã có người chết. Bỗng nhiên, tâm của bà lóe lên ý nghĩ rằng Đức Thế Tôn muốn bà chứng nghiệm: Con người được sanh ra rồi chết đi là lẽ đương nhiên. Bà liền tỉnh ngộ, ôm xác đứa con quay trở về, đem chôn cất. Sau đó, bà đến gặp Đức Thế Tôn đảnh lễ và xin quy y.
Tất cả chúng ta cần phải chấp nhận rằng: Chết là luật tự nhiên. Đây là sự mầu nhiệm, bởi không có chết thì sẽ không có sống, nếu không có chết thì con người sẽ không thay hình đổi dạng, không có kiếp lai sinh, không có mặt ở đời sống hậu kiếp tốt đẹp hơn. Trong quá trình tu tập, chết là điều cần thiết để kiếp hậu lai trở nên toàn hảo, đoạn đứt mọi phiền não, thoát khổ vĩnh viễn và đạt vô sanh bất tử. Những kiếp luân hồi, khổ đau của sanh, già, bệnh, chết lặp đi lặp lại là đệ nhứt khổ đế trong Tứ diệu đế mà sự khổ là chất liệu vi diệu nung nấu hành giả, làm cho con người minh triết để tìm đường đến bất tử.
Nếu hiểu chết là hết, là mất hẳn tức là đoạn kiến ngoại đạo, còn nói rằng có một linh hồn từ kiếp này chuyển sang kiếp sau mà chẳng có gì thay đổi tức là thường kiến ngoại đạo. Con người cần xa rời thường kiến và đoạn kiến thì mới có đủ chánh kiến bước trên con đường tu tập để sống tự tại. Nếu chưa hiểu giáo lý nhà Phật thì còn lo sợ cái chết ám ảnh, đến phút cuối cùng lìa đời tâm chẳng thể nào yên. Khi hiểu đạo lý rồi thì sẽ có cách nhìn đúng đắn đối với quy luật tự nhiên của đất trời, vũ trụ và nhân sinh.
Con người sẽ sống tỉnh giác, chết tự tại, biết chấn chỉnh tinh thần, thường chánh niệm để sống vui, sống khỏe, biết được lẽ thật, sống tự do, lành mạnh hóa tâm hồn. Học Phật pháp vững vàng, tu tập tốt thì mới cứu được chính mình ra khỏi tất cả mọi ràng buộc phiền não của đời sống và trở thành đệ tử trung thành của Đức Phật.
Trên cuộc đời này, mọi điều cũng như lòng dạ con người đều có thể đổi thay, sự vật có thể di dời. Mọi vật, mọi việc và hoàn cảnh con người có thể biến dị nhưng cái chết không bao giờ thay đổi. Chúng ta tồn tại trên cuộc đời này nói theo mười hai nhân duyên là do có ái, có thủ và có hữu, ái là sự đam mê thế gian, không thấy chân lý, đam mê nên mới có chấp trước, nắm bắt rồi tạo tác, hữu là tạo tác để nhận thân hậu hữu về sau, tức là thân tái lai của hậu kiếp. Như vậy có đam mê là do không thấy, không hiểu Phật pháp, không hiểu được lẽ thật trên cuộc đời nên quên mất trí giác bồ đề.
Hễ kiếp này có ái, thủ, hữu thì kiếp sau tiếp tục sanh, già, bệnh, chết. Do có ái, thủ, hữu mà có sanh, lão, tử ở kiếp sau và tiếp tục từ vô thủy kiếp đến nay. Chúng sanh sống tạm ở ba cõi sáu đường với bao sướng khổ, buồn vui, thăng trầm, bởi đó là kiếp phận của chúng sanh. Vì vậy, người đang hấp hối cần biết rõ mình mang thân tạm một đời, hết duyên phải rời bỏ cõi tạm ra đi. Nếu quán chiếu thấy được bản chất không thật của thân này, tất cả mọi cảnh giới trên thế gian đều tạm bợ, mong manh, huyễn mộng không thật, không còn tiếc nuối thì cận tử nghiệp sẽ nhẹ nhàng.
Vòng luân hồi thường xoay là do vô minh, luyến ái của bản thân, cả một đời vì mê lầm nên tạo nghiệp thọ khổ, tạo nên kiết sử tùy miên làm cho đời sống bị trói buộc, mất tự do, tự chủ, không thể thoát khỏi luân hồi sanh tử. Vào đương thời của Đức Phật, bà Matagora trong một thời gian rất ngắn đã mất luôn những người thân yêu, cha mẹ cùng anh em lần lượt qua đời, người chồng lẫn cả hai con cùng chết, của cải tài sản bị khánh kiệt, đau khổ trào dâng cùng cực đến mất trí. Nhưng may mắn thay, cuối cùng bà cũng tìm gặp được Đức Phật. Ngài dạy rằng:
– Này Matagora, con đã đau khổ đến thế này trong vòng luân hồi từ vô thủy kiếp đến nay, nước mắt của con nhiều hơn nước biển đại dương…
Bà thức tỉnh, sau đó quy y Tam Bảo.
“Tiền tiền vô thủy, hậu hậu vô chung”. Vô thủy là không có điểm khởi đầu, vô chung là không có điểm kết cuộc. Chúng ta sanh tử trước đó không biết đâu là khởi đầu, từ khi mê lầm đến hiện tại, được sanh ra và chết đi theo vòng luân hồi mãi. Luân hồi là một vòng tròn khép kín, con người vì vô minh nên đi vào đó tạo nghiệp thọ khổ. Nếu không được giải thoát thì chẳng biết bao giờ kết thúc. Vì thế, nhà Thiền mới có câu: “Phản quan tự kỷ, bổn phận sự”, đó là chúng ta hãy tự cứu lấy mình, chứ không ai cứu được ai cả.
Nếu là người đệ tử Phật, chúng ta phải trở lại với chính mình. Trong quá trình tu tập chuyển hóa vòng kềm tỏa của luân hồi, vượt qua ái, hữu, dục vọng, đam mê để cho năng lực của ngũ dục lục trần không thể kéo lôi vào quỹ đạo của luân hồi sanh tử nữa, ra khỏi vô sắc giới, mới hoàn toàn hết khổ. Chúng ta là những hành giả, là người đệ tử Phật, hãy nương pháp Phật làm cương lĩnh tu hành để cuộc đời bớt khổ. Đức Phật, Bồ tát, chư vị Thánh Hiền chỉ trợ duyên để chúng ta cất bước nên mỗi người cần tự thắp đuốc lên mà đi.
Chết chỉ là sự tan rã của thân ngũ uẩn, mà thân ngũ uẩn chỉ là vật chất và tinh thần. Nếu vật chất không đủ duyên để tồn tại thì tan rã. Vật chất tức là đất, nước, gió lửa; còn tinh thần là thọ, tưởng, hành, thức. Khi thân vật chất không còn duy trì được nữa thì thân bỏ lại, thần thức theo nghiệp mà thọ sanh. Sự kết hợp của ngũ uẩn là sự hiện hữu của một hữu tình chúng sanh, sự chia lìa tan rã của ngũ uẩn gọi là chết, nếu tiếp tục kết hợp ngũ uẩn tức là tái sanh.
Cứ như vậy hiện hữu rồi chết, rồi tái sanh là do kết hợp mà có sanh ra và mất đi. Nếu hiểu được chết là vi diệu thì không nên quan niệm rằng chết là có linh hồn từ thân xác này qua xác thân kia rồi biểu hiện ở kiếp sau, vì quan niệm như vậy là thường kiến ngoại đạo, còn cho rằng nếu chết là chấm dứt và không còn gì sau đời sống này thì đó là đoạn kiến ngoại đạo, mà đoạn kiến ngoại đạo chủ trương chết là hết. Người tạo thiện, tạo ác chết đều giống nhau, điều này trái với nhân quả mà nhân quả là luật tự nhiên.
Nói theo khoa học thì không có gì mất đi cả, vật thể chỉ biến sang một dạng thể khác chứ không bao giờ mất đi, còn tinh thần thì lại càng không thể mất đi nên cứ lặp đi lặp lại những đời sống hậu kiếp và đó là luật tự nhiên. Đức Phật nói nhân quả để chúng ta nương theo đó, có chánh kiến mà tu tập thì sẽ không tạo nghiệp xấu, kiếp sau sanh ra sống bình yên, nhưng bình yên trong vòng luân hồi chỉ là tạm thời. Chỉ khi nào đạt được Niết bàn, giải thoát sanh tử mới là vĩnh cửu.
Theo đạo Phật, có bốn nguyên nhân đưa đến cái chết: Một là mạng căn đã hết, tức là thọ mạng chấm dứt. Thứ hai, sức mạnh của nghiệp tạo nên một đời sống cá nhân đã hết. Thứ ba, là chấm dứt một lúc cả hai nguyên nhân trên, nghĩa là thọ mạng hết và sức mạnh của nghiệp tạo nên một đời sống cũng đã kết thúc thì người đó chết. Thứ tư là trường hợp chết bất đắc kỳ tử. Ngoài những nguyên nhân đó còn có yếu tố bất ngờ bởi các hiện tượng thiên nhiên như động đất, sóng thần,… tạo nên chết bất đắc kỳ tử thì thần thức của người ấy sống phiêu bạt vất vưởng nay đây mai đó, thỉnh thoảng hiện về hoặc báo mộng cho thân nhân. Đó là trường hợp đặc biệt, thân nhân nên thỉnh quý chư Tăng Ni trợ duyên thuyết linh và cầu siêu cho họ.
Chúng ta nên nghĩ rằng, cái chết trước sau gì cũng sẽ đến nên cần có thái độ sẵn sàng chấp nhận, khi sống nên làm tròn trách nhiệm và bổn phận. Sống hay, sống đẹp, sống tốt thì trong lòng không hối hận, ra đi sẽ thanh thản. Muốn biết khi chết chúng ta có được an nhiên tự tại không thì hãy nhìn lúc còn sống mình có sống lành mạnh tự tại không? Đến lúc cận kề cái chết cần phải tỉnh giác, biết cảnh giới và thân này là vô thường, duyên sanh, huyễn mộng, bình ổn tinh thần để ra đi vững vàng, tự tại.
Chúng ta đến với thế gian này kể từ lúc sanh ra chẳng có sở hữu gì, không nên chấp trước và bớt đam mê ái nhiễm thế gian, cần phải tin sâu nhân quả để khi ra đi bỏ lại sau lưng tất cả cũng là lẽ đương nhiên. Những nhà minh triết, bậc giáo chủ, vĩ nhân, người ngộ đạo, họ hy sinh mạng sống một cách cao thượng để bảo vệ đồng loại, che chở chúng sanh. Chẳng hạn Bồ Tát Thích Quảng Đức chọn cái chết cao thượng, đẹp đẽ để cứu nguy cho Đạo pháp và dân tộc. Nhờ vậy mà Ngài trở thành bất tử trong lòng chúng sanh vạn loại.
Thích Thông Huệ