Thực hư về câu chuyện nhân quả

Chia sẻ ngay

Nhân quả theo chữ Hán có nghĩa là hạt giống và bông trái. Ở đây chúng ta nên hiểu nghĩa nhân quả là hành động và kết quả của hành động. Để dễ hiểu, chúng tôi cho một ví dụ: Nếu chúng ta lấy một hạt cam gieo trồng xuống đất, hạt cam lên thành cây cam, cây cam lớn lên cho ta những quả cam ngọt, đó là nhân và quả của cây cam. Nếu ta lấy một hạt chanh đem ươm trồng, hạt chanh lên thành cây và cho những trái chanh chua, đó là nhân và quả của cây chanh. Hai ví dụ trên cho chúng ta thấy nhân nào thì quả nấy, hạt cam sẽ cho trái cam ngọt, hạt chanh sẽ cho trái chanh chua.

Hành động của chúng ta cũng vậy, nếu hàn động ác là nhân ác, kết quả của hành động ác thì chúng ta sẽ phải thọ chịu khổ đau như chúng tôi đã nói ở trên. Ngược lại hành động thiện sẽ mang phúc và an vui cho chúng ta.

Đức Phật dạy con người phải đi tìm trí tuệ và hãy có lòng từ bi để tiếp tục vận động cho một cuộc sống tích cực. Nhân quả luôn hiện hữu trong lối sống của con người thông qua hành vi và các mối quan hệ của cá nhân. Vì vậy chọn một lối sống tốt, chính đáng là một vấn đề hết sức cần thiết đối với tất cả mọi người dù cho có phải trải qua những thời khắc khó khăn gì đi nữa hay phải bắt đầu làm lại cuộc đời. Hai câu chuyên nhân quả có thật dưới đây sẽ cho chúng ta thấy được sự công bằng của luật nhân quả:

Câu chuyện nhân quả

Câu chuyện thứ 1: Đây là một câu chuyện có thật xảy ra vào năm 1892 tại trường đại học Standford.

Một sinh viên 18 tuổi đang cố xoay sở để trả học phí. Cậu mồ côi và không biết nhờ cậy vào ai để xin tiền. Rồi cậu nghĩ ra một cách thật hay ho. Cậu và một người bạn quyết định tổ chức một buổi hòa nhạc tại trường để gây quỹ kiếm tiền trả học phí cho cả hai.

Họ tìm đến nhà dương cầm nổi tiếng Ignacy J. Paderewski. Ông bầu của nhạc sĩ yêu cầu các cậu phải đảm bảo thanh toán một khoản thù lao là 2.000$ cho buổi độc tấu dương cầm. Giao kèo được thỏa thuận và hai cậu sinh viên bắt tay tổ chức để buổi biểu diễn được thành công.

Ngày trọng đại đó rồi cũng đến. Paderewski biểu diễn tại Standford. Nhưng không may, hai bạn trẻ không thể xoay sở để bán hết số vé. Tổng số tiền mà họ thu được chỉ vỏn vẹn 1.600 $. Thất vọng, họ tìm đến Stanford để giải thích hoàn cảnh của họ. Hai cậu sinh viên trao hết 1.600$ cho Paderewski cùng tấm chi phiếu 400$ cho khoản tiền còn thiếu với lời hứa rằng họ sẽ tranh thủ thanh toán tấm séc này sớm nhất..

Paderewski nói, “Không, việc này không thể chấp nhận được.” Ông xé tấm chi phiếu, đưa lại 1.600 $ cho hai cậu sinh viên và nói: “Đây là 1.600$. Hãy thanh toán mọi chi phí mà các bạn còn thiếu nợ, giữ số tiền mà các bạn cần để thanh toán học phí, tôi chỉ lấy phần tiền còn dư.” Hai cậu sinh viên ngạc nhiên và rối rít cám ơn Paderewski.

Nó chỉ là một nghĩa cử nhỏ bé thể hiện một tấm lòng tử tế, nhưng rõ ràng cho thấy rằng Paderewski là một con người có nhân cách lớn.

Tại sao ông ta phải giúp hai thanh niên mà ông chẳng hề quen biết. Chúng ta ai cũng tình cờ gặp những tình huống như vậy trong đời mình. Và hầu hết chúng ta chỉ nghĩ: “Nếu giúp họ, chuyện gì sẽ xảy ra cho ta?” Nhưng những con người vĩ đại thì lại nghĩ rằng: “Nếu ta không giúp họ, điều gì sẽ xảy ra cho họ?” Họ giúp và không mong có sự đền đáp. Họ làm điều đó vì họ cảm thấy rằng đó là một việc đúng cần phải làm.

Paderewski sau đó trở thành Thủ tướng của Ba Lan. Ông là một nhà lãnh đạo tài ba nhưng không may, chiến tranh Thế giới xảy ra, Ba Lan bị tàn phá. Hơn 1,5 triệu người dân trong nước lâm vào cảnh đói và không có tiền để cung cấp cái ăn cho họ. Paderewski không biết cầu cứu ở đâu, ông quyết định tìm đến Tổ chức Cứu trợ Lương thực Hoa Kỳ để xin giúp đỡ. Lãnh đạo của tổ chức này lúc bấy giờ là Herbert Hoover, sau này trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Hoover đồng ý giúp và nhanh chóng gửi hàng tấn ngũ cốc để cứu đói cho người dân Ba Lan.

Thảm họa được đẩy lùi. Thủ Tướng Paderewski cảm thấy nhẹ nhõm. Ông quyết định sang Mỹ gặp Hoover để đích thân cảm ơn. Khi Paderewski bắt đầu nói lời cảm ơn Hoover vì nghĩa cử cao thượng của ông, thì Hoover vội cắt ngang và nói: “Ngài không cần phải cảm ơn tôi, thưa Thủ Tướng. Có lẽ ngài không còn nhớ câu chuyện này, nhưng vài năm trước, ngài đã giúp hai cậu sinh viên trẻ tuổi tiếp tục học đại học tại Hoa Kỳ, và tôi là một trong hai sinh viên ấy.”

Câu chuyện thứ 2: Câu chuyện có thật về Dr. Howard Kelly – Vị bác sĩ lỗi lạc, đã sáng lập ra Khoa Ung thư tại trường Đại học John Hopkins năm 1895

Một cậu bé nghèo phải đi bán hàng rong để kiếm tiền học. Một hôm, dạ dày cậu trống rỗng cậu đói đến lả người. Thò tay vào túi, cậu thấy chỉ còn sót lại duy nhất có một đồng. Nhưng đó là tiền cậu hứa mua bánh cho mấy đứa em ở nhà.
Tần ngần một lát, cậu quyết định ghé vào ngôi nhà phía trước để xin chút gì đó bỏ bụng. Thế nhưng, người mở cửa là một thiếu phụ trẻ đẹp. Khiến cậu bối rối và ngập ngừng, nên thay vì hỏi xin ăn, cậu chỉ dám xin một ly nước. Thấy dáng vẻ nghèo khổ và đói lả của cậu bé, người phụ nữ thay vì rót nước đã đem ra cho cậu một ly sữa lớn. Cậu chậm rãi nhấp từng ngụm sữa rồi hỏi:
– Cháu nợ cô bao nhiêu ạ ?
Người phụ nữ trả lời:
– Cháu không nợ cô cái gì cả. Mẹ cô đã dạy không bao giờ nhận tiền trả cho lòng tốt.
Cậu bé cảm kích đáp:
– Cháu sẽ biết ơn cô từ sâu thẳm trái tim cháu.
Đó là ly sữa thơm ngon nhất mà cậu từng được uống. Khi ra đi, cậu cảm thấy khỏe khoắn hơn và niềm tin của cậu vào con người như cũng mãnh liệt hơn. Trước đó, cậu như muốn đầu hàng số phận.
Nhiều năm sau, người phụ nữ bị ốm nặng. Các bác sĩ địa phương đều bó tay. Họ chuyển bà đến thành phố lớn để các chuyên gia nghiên cứu căn bệnh lạ lùng này. Tiến sĩ Howard Kelly được mời đến tham vấn. Khi ông nghe tên thị trấn nơi người phụ nữ ở, một tia sáng ánh lên trong mắt ông. Ngay lập tức, ông khoác áo choàng và đi đến phòng bệnh của người phụ nữ nọ. Ông nhận ra ngay ân nhân của mình năm xưa.
Quay về phòng hội chẩn, ông quyết định sẽ dốc hết sức để cứu sống bệnh nhân này. Và cuối cùng nỗ lực của ông cũng được thành công. Tiến sĩ Howard Kelly đề nghị phòng y vụ chuyển cho ông hóa đơn viện phí của ân nhân để xem lại. Ông viết vài chữ bên lề của tờ biên lai và cho chuyển nó đến người phụ nữ. Bệnh người phụ nữ đã thuyên giảm và sau đó khỏi hoàn toàn.
Trước ngày bà xuất viện, bác sĩ Kelly yêu cầu phòng y vụ chuyển hóa đơn để xem lại. Ông viết vài chữ bên lề của tờ biên lai. Nhận hóa đơn, người phụ nữ hồi hộp mở ra đọc. Bà dự đoán rằng số tiền phải trả rất cao, có lẽ bà sẽ phải làm việc cật lực cả đời mới trả hết.
Ngỡ ngàng, bà đọc thấy bên lề hóa đơn một hàng chữ : “Đã được thanh toán bằng một ly sữa. Ký tên: Bác sĩ Howard Kelly.”

Bạn thân mến, đâu đó vẫn có những hành động vô ơn nhưng không phải luôn luôn như vậy. Đừng quá bi quan về cuộc đời, vì vẫn còn đó những tấm lòng nhân hậu … Có những thứ giá trị tuy nhỏ nhưng trong hoàn cảnh nhất định đem lại một giá trị rất lớn lao. Hãy quảng đại khi trao tặng và sống xứng đáng với những gì đã lãnh nhận. Cuộc đời không phải là một con đường thẳng, ta có thể vòng lại những điểm mà ta đã đi qua nên nếu ta gieo trồng những nhân duyên tốt dọc đường đời của chúng ta thì 1 ngày nào đó ta cũng sẽ gặp lại chính những nhân duyên đó.