Độ cao thấp của bố cục kiến trúc xung quanh nhà có thuyết pháp gì?
Nếu bố cục kiến trúc xung quanh căn nhà là bên trái cao bên phải thấp, cũng có nghĩa là Thanh Long cao hơn Bạch Hổ, gia đạo, sự nghiệp của người nam chủ nhân sẽ phồn vinh, hưng thịnh. Tuy nhiên chúng ta cần phải chú ý, bố cục trái cao phải thấp chỉ dùng cho Dương trạch thì mới là quẻ cát. Nếu dùng cho Âm trạch thì sẽ không tốt. Theo phong thuỷ, điều tốt nhất khi rồng mạnh hơn hổ. Ví dụ với một toà nhà, sẽ có 4 loại Thanh Long mạnh hơn Bạch Hổ như sau:
Thứ nhất: Long ngang Hổ phục. Bên trái của toà nhà tương đối cao, bên phải tương đối thấp.
Thứ hai: Long trường Hổ đoản. Bên trái của toà nhà tương đối dài, rộng rãi còn bên phải thì ngắn, hẹp.
Thứ ba: Long gần Hổ viễn. Bên trái gần với bản thân, bên phải xa bản thân.
Thứ tư: Long thịnh Hổ suy. Bên trái đặc biệt nhiều, bên phải đặc biệt ít (thậm chí không có).
Nếu bố cục kiến trúc của một căn nhà có địa hình bên phải cao, bên trái thấp thì là Bạch Hổ cao hơn Thanh Long. Nếu dùng cho căn nhà Âm trạch thì chủ nhân của nó rất hiển hách. Nhưng nếu dùng cho căn nhà Dương trạch thì chủ nhân rất bôn ba, khốn đốn.
Trong Phong thuỷ học, Bạch Hổ thích tĩnh, không thích động.
Nếu bên Bạch Hổ quá mạnh thì phạm phải Bạch Hổ sát. Thông thường, căn nhà có hiện tượng kiến trúc bên phải cao hơn bên trái, dài hơn bên trái, quá gần căn nhà hoặc những kiến trúc bên phải nhiều hơn bên trái thì đều phạm phải Bạch Hồ sát.
Những căn nhà như vậy, nhẹ thì chủ nhà có nhiều bệnh tật hoặc vì bệnh mà phá tài, tiền của đổ hết vào việc chạy chữa bệnh tật. Nặng thì có người bị thương vong. Cách hoá giải: Đặt một đôi kỳ lân tại vị trí thu sát.